3 hành vi của bố mẹ

Giáo viên mầm non than thở: 3 hành vi của bố mẹ đón con tan trường khiến họ khó chịu

Cho con đi học mầm non là giai đoạn bố mẹ và gia đình có nhiều lo lắng nhất. Ai cũng muốn hợp tác thật tốt với các cô để mang đến cho trẻ môi trường giáo dục tốt nhất. Vậy nhưng, có những hành động vô tình của phụ huynh lại khiến giáo viên mầm non khó chịu mà lại không dám nói ra.

Tôi vừa đọc trên báo có một bài nói về tâm sự thật của giáo viên mầm non về những hành động khi đón con của phụ huynh khiến họ thêm mệt mỏi và khó chịu. Tôi chia sẻ lại bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

hình ảnh

Ảnh minh họa

Thứ nhất: Đón con quá sớm

Việc một số phụ huynh thích đến đón con sớm đôi khi xuất phát từ những lý do chính đáng, như muốn tránh giờ cao điểm, về nhà sớm hoặc do quãng đường về nhà xa, mong muốn về nhà sớm hơn. Tuy nhiên, hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn khái niệm thời gian cho trẻ, đồng thời tạo thói quen rời khỏi trường trước giờ tan học. Thói quen này một khi đã hình thành sẽ rất khó sửa đổi, có thể ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt của trẻ sau này.

Thứ hai: Nhòm ngó qua cửa sổ

Tại một số trường mầm non có quản lý tương đối lỏng lẻo, một số phụ huynh có hành vi vào hành lang lớp học, thậm chí đứng ngó nghiêng qua cửa sổ để quan sát thái độ của giáo viên đối với con mình hoặc biểu hiện của con.

Hành vi này không chỉ làm xao nhãng sự chú ý của trẻ, ảnh hưởng đến trật tự lớp học mà còn gây khó khăn cho giáo viên trong việc giảng dạy. Lâu dần, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự tập trung học tập và lòng tự tin của trẻ, khiến trẻ cảm thấy bất an và khó hòa nhập với môi trường học tập.

Thứ ba: Xô đẩy giành con ở cổng trường

Giờ tan trường, nhiều trường mầm non thường cho trẻ xếp hàng lần lượt ra khỏi trường, tạo không khí vui tươi và trật tự. Tuy nhiên, tình trạng chen lấn xô đẩy, tranh giành con ở cổng trường từ một số phụ huynh lại dễ dẫn đến va chạm, thậm chí là bị thương cho trẻ. Điều này không chỉ gây mất an toàn cho trẻ mà còn tạo nên một bầu không khí hỗn loạn, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho tất cả mọi người.

hình ảnh

Làm gì khi nhà ở xa trường học

Đối với những bậc phụ huynh có con nhỏ cần đưa đón, đặc biệt là những gia đình ở xa trường mầm non, việc đưa đón con thường gặp nhiều khó khăn. Để tránh ảnh hưởng đến con và người khác, phụ huynh có thể thử áp dụng một số cách sau:

Sử dụng xe đưa đón của trường: Nhiều trường mầm non hiện nay cung cấp dịch vụ xe đưa đón, đây là lựa chọn rất phù hợp với những gia đình ở xa. Xe đưa đón giúp đảm bảo trẻ đến trường và tan trường đúng giờ, giúp phụ huynh tránh phải đón con sớm vì quãng đường xa, vừa tiết kiệm thời gian vừa giảm bớt phiền phức.

Trao đổi trước với giáo viên: Nếu phụ huynh thực sự phải đón con sớm vì quãng đường xa hoặc lý do đặc biệt, có thể trao đổi trước với giáo viên, tìm cách và thời gian phù hợp. Điều này không chỉ tránh cho trẻ phải chờ đợi lo lắng mà còn giảm thiểu ảnh hưởng đến những trẻ khác.

Sự lựa chọn về thời gian đón con tan trường của phụ huynh không chỉ ảnh hưởng đến sự tiện lợi của bản thân mà còn liên quan trực tiếp đến trạng thái học tập và thói quen học tập của con trẻ. Đến sớm không hẳn là điều tốt, đôi khi lại gây ra những phiền toái. Việc đón con đúng giờ không chỉ giúp trẻ hình thành thói quen tốt, tự giác và tôn trọng giờ giấc, mà còn giúp trẻ tập trung vào việc học và vui chơi cùng bạn bè trong giờ học. Cha mẹ cần cân nhắc đến sự phát triển và việc hình thành thói quen của con, đồng thời tôn trọng trật tự quản lý của trường mầm non và kế hoạch giảng dạy của giáo viên.

Sai lầm nghiêm trọng xuất phát từ phụ huynh khiến trẻ mầm non không thích đi học:

Theo các cô giáo mầm non, trẻ đi học lần đầu tiên đều khóc, bởi vốn dĩ từ lúc sinh ra cho tới lúc đi học trẻ sống tại gia đình trong niềm yêu thương vô hạn của ông bà, cha mẹ, trẻ coi mình là trung tâm và luôn được sự che chở, bao bọc của ông bà, cha mẹ. Khi trẻ tới trường, bạn bè, cô giáo là những người lạ nên không tránh được việc trẻ sợ, trẻ khóc.

Tuy nhiên, những hành động sai lầm của bậc phụ huynh có thể gây những tổn thương về mặt tinh thần cho trẻ, hoặc trẻ sẽ lâu quen với trường học, khóc nhiều làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Không ít bậc phụ huynh đã dọa con mình: “Con có ăn không, mai mẹ cho con đi học”, hay “Con không ăn mẹ đưa con tới cô giáo”… Đó là sai lầm hết sức nghiêm trọng có thể dẫn đến những tổn thương về tâm lý và trẻ sẽ hiểu đi học đồng nghĩa với sự trừng phạt.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh không chuẩn bị tâm lý cho trẻ đến trường, thay đổi đột ngột người chăm sóc trẻ khiến trẻ sợ hãi. Một cán bộ lâu năm trong ngành giáo dục mầm non ở Yên Bái cho biết: “Sai lầm lớn nhất của phụ huynh là không chuẩn bị tâm lý đi học cho trẻ.

Cứ đến ngày là đưa trẻ đi học, trẻ sẽ khóc nhiều, ăn ít, sút cân… nhưng cái quan trọng nhất là gây tổn thương tâm lý cho trẻ dù cô giáo có yêu thương, dỗ dành trẻ đến mấy. Khi trẻ mới đi học, do thay đổi môi trường, người chăm sóc, trẻ sẽ ăn ít, khóc, sút cân, nhiều trẻ có thể ốm, các bậc phụ huynh xót con lại cho con nghỉ vài ngày để “chăm cho cháu nó cứng cứng rồi sẽ cho đi học” như vậy cũng là sai lầm.

Theo các chuyên gia giáo dục mầm non thì trước khi cho trẻ đi học, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị tâm lý như nói chuyện với con về trường học, về lớp, về cô giáo, các bạn, nếu có điều kiện thì nên cho con tới thăm trường lớp vài lần trước khi cho bé đi học. Khi bé đi học thì tuyệt đối không cho bé nghỉ để “chăm cho khỏe hẳn”. Không lấy việc đi học, lấy cô giáo để dọa trẻ ở nhà đặc biệt là với trẻ nhỏ chưa đi học.