Cựu chủ tịch NXB Giáo dục Nguyễn Đức Thái hôm nay sẽ bị xét xử với cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng giúp doanh nghiệp trúng thầu cung cấp giấy in sách giáo khoa trong 6 năm.
Ngày 14/1, ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục), dự kiến bị TAND xét xử về tội Nhận hối lộ. Phiên tòa sẽ kéo dài 4 ngày.
Cùng vụ án, Tô Mỹ Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát, bị truy tố tội Đưa hối lộ.
5 người khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải, đều là hai Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục; Phạm Gia Thạch, thành viên HĐTV NXB Giáo dục; Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing NXB Giáo dục và Đinh Quốc Khánh, Phó ban Kế hoạch Marketing NXB Giáo dục.
Trong các bị cáo, bà Thủy từng bị TAND Hà Nội phạt 30 tháng tù về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi hồi tháng 1/2024 do sai phạm liên quan vụ án kit test Việt Á.
Cáo trạng xác định, NXB Giáo dục do Nhà nước sở hữu 100% kinh doanh biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành các loại sách giáo dục… phục vụ người dân cả nước.
Từ năm 2017, ông Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch HĐTV.
Nhận quà ‘thường niên’ 5 tỷ đồng từ doanh nghiệp
Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Giấy CP đều do bà Tô Mỹ Ngọc làm Chủ tịch HĐQT. Công ty Minh Cường Phát do Nguyễn Trí Minh làm Giám đốc.
Do muốn được tham gia các gói thầu cung cấp giấy in cho NXB Giáo dục, giữa năm 2017, bà Ngọc và Minh liên hệ với ông Thái và đề nghị tạo điều kiện cho trúng thầu và “sẽ cảm ơn”.
Lần hối lộ đầu tiên vào tháng 12/2017, bà Ngọc từ TP HCM ra Hà Nội, xách túi đựng 3 tỷ đồng tiền mặt đến phòng làm việc của ông Thái tại trụ sở NXB Giáo dục, để túi tiền ở cạnh bàn uống nước. Số tiền này được ông cất vào két sắt ở trong phòng.
Sau đó trong 4 năm, 2018-2021, các công ty của bà Ngọc trúng 10 gói thầu, tổng trị giá 1.593 tỷ đồng. Tương ứng mỗi năm, bà Ngọc đều đưa ông Thái 4 tỷ đồng với cùng cách thức trên, tổng 16 tỷ đồng.
Dịp Tết Nguyên đán của cả 5 năm, bà Ngọc đều cảm ơn thêm 200 triệu đồng mỗi năm, tổng một tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, từ tháng 6/2017 đến 21/1/2022, ông Thái nhận 20 tỷ đồng để giúp công ty của bà Ngọc trúng 13 gói thầu “chào hàng cạnh tranh rút gọn” cung cấp giấy in có tổng giá trị 2.156 tỷ đồng.
Với Công ty Minh Cường Phát, ông Thái bị cáo buộc nhận tổng 4,9 tỷ đồng từ Giám đốc Minh để tạo điều kiện cho trúng 5 gói thầu tổng trị giá 210 tỷ đồng. Các lần đưa tiền thường vào trước ngày 20/11. Ông Minh hẹn gặp ông Thái tại phòng làm việc và để lại tiền trong túi quà đặt ở đầu bàn uống nước.
Nhà chức trách cho biết các cáo buộc đưa nhận tiền được dựa trên lời khai của người liên quan, list điện thoại, danh sách chuyến bay và kết quả thực nghiệm điều tra.
“Ưu ái” đưa trước hồ sơ thầu để doanh nghiệp chuẩn bị
Để giúp các công ty trên trúng thầu, ông Thái bị cáo buộc chỉ đạo Trưởng Ban Kế hoạch Nguyễn Thị Thanh Thủy và Phó ban Đinh Quốc Khánh lập kế hoạch mua sắm giấy in, lựa chọn nhà thầu theo phương thức “chào hàng cạnh tranh rút gọn”.
Phương án này được Ban chỉ đạo và Tổ tư vấn nhất trí. Thành phần của Tổ, Ban, đều là các bị cáo trong vụ án, ngoài ông Thái, bà Thủy và ông Khánh, còn có hai Phó tổng giám đốc Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải.
Theo chỉ đạo của ông Thái, bà Thủy, ông Khánh hẹn gặp doanh nghiệp tại quán cafe để cung cấp thông tin chào hàng, giá dự thầu.
Sau khi trúng thầu, bà Thủy được bà Ngọc cảm ơn 320 triệu đồng. Bà Thủy đưa 100 triệu đồng cho quỹ hoạt động chung của cơ quan; số còn lại sử dụng cá nhân.
Với công ty Minh Cường Phát, bà Thủy, ông Hải cũng “phối hợp” để cung cấp hồ sơ thầu cho doanh nghiệp.
Minh Cường Phát trở thành doanh nghiệp duy nhất được cung cấp hồ sơ yêu cầu để lập hồ sơ dự thầu, sau đó nhờ thêm hai công ty làm “quân xanh” để trúng thầu trót lọt.
VKS xác định, theo Luật Đấu thầu, “chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn” chỉ được áp dụng với các gói thầu không quá một tỷ đồng, song đã được các bị cáo áp dụng với 7 gói thầu có giá trị từ 19 đến 172 tỷ đồng. Điều này là trái pháp luật, gây thiệt hại 10 tỷ đồng.
Đối với các gói thầu năm 2018-2021, cơ quan điều tra xác định không có vi phạm quy định về đấu thầu, nhưng có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ như đã nêu trên.
Quá trình điều tra, truy tố, các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả tổng hơn 47 tỷ đồng, trong đó ông Thái nộp 25 tỷ đồng; Ngọ 19 tỷ đồng; Minh nộp 2,78 tỷ đồng…
Th