Đề xuất

Đề xuất bỏ án tử hình tội \’Tham ô tài sản, Nhận hối lộ\’: Sẽ khó đạt mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng?Khi chủ trì buổi họp Hội đồng thẩm định Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất bỏ hình phạt tử hình với tội \’Tham ô tài sản và Nhận hối lộ\’, bởi hai tội danh này có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng, Nhà nước. Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đồng tình với quan điểm này.

Hiện có quyền xem xét ân giảm của Chủ tịch nước

Như Tiền Phong đưa tin, Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Dự án do Bộ Công an chủ trì soạn thảo gồm 3 phần, 26 chương, 433 điều, so với Bộ luật hiện hành giữ nguyên 181 điều, sửa đổi 245 điều, bổ sung 6 điều, bỏ 18 điều.

Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8/18 tội danh và thay bằng hình phạt “tù chung thân không xét giảm án”. Các tội này, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).

Ngày sau khi Dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) được công bố, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì họp Hội đồng thẩm định Dự án.

Cho ý kiến tại cuộc họp, ông Dương Minh Nghĩa (đại diện Văn phòng Chủ tịch nước) đồng tình với chủ trương loại bỏ hình phạt tử hình, thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án đối với một số tội danh được nêu trong dự thảo.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng cần có sự cân nhắc toàn diện hơn, dựa trên cả lý luận và thực tiễn đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng nếu chúng ta quyết định bỏ hình phạt tử hình.

Theo ông Nghĩa, đối với tội \’Vận chuyển trái phép chất ma túy\’ trong bối cảnh hiện nay việc loại bỏ hình phạt tử hình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nếu bỏ tử hình cần xem xét liệu hình phạt thay thế có đủ sức răn đe, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hay không.

Với tội \’ Tham ô tài sản và Nhận hối lộ \’, hiện đang trong giai đoạn quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ông Nghĩa cũng đề nghị phải xem xét kỹ lưỡng việc bỏ tử hình. Thực tiễn cho thấy, các trường hợp bị xử tử hình vì tội tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn và ở độ tuổi nhất định. Nếu thay thế bằng tù chung thân không xét giảm, về lâu dài sẽ khó đạt được mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng, vì hình phạt không đủ áp lực buộc người phạm tội hợp tác.

Bên cạnh đó, ông Nghĩa đề cập thêm việc xem xét ân giảm hiện nay thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, trong khi dự thảo Bộ luật đang đề xuất mở rộng phạm vi xem xét ân giảm đối với hình phạt tù chung thân không xét giảm án, thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, dựa trên tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật qua nhiều thời kỳ.

Đề xuất bỏ án tử hình tội \'Tham ô tài sản, Nhận hối lộ\': Sẽ khó đạt mục tiêu thu hồi tài sản tham nhũng?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì buổi họp Hội đồng thẩm định.

Cân nhắc tính thời điểm

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng, Viện KSND Tối cao cho biết, Viện đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình đối với tội \’Vận chuyển trái phép chất ma tuý\’. Bởi thực tế hiện nay, còn nhiều vụ án vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Còn đối với các tội \’ Tham ô tài sản và Nhận hối lộ \’, đại diện Viện KSND Tối cao cũng đề nghị tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định bỏ hình phạt tử hình.

Theo ông, hiện công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những chủ trương lớn, nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng bộ máy trong sạch, thu hút đầu tư và tạo lập môi trường phát triển bền vững. Dù tư tưởng nhân văn, khoan hồng trong chính sách hình sự là xu hướng đáng khuyến khích nhưng không vì thế mà lơi lỏng nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nếu loại bỏ hình phạt tử hình với các tội danh này vào thời điểm hiện nay e rằng sẽ khiến xã hội hiểu lầm công cuộc chống tham nhũng đang “giảm nhiệt” hoặc dừng lại.

Cho ý kiến tại buổi họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng với các tội danh mà Bộ Công an đề xuất bổ sung vào danh sách bỏ hình phạt tử hình. Đặc biệt là hai tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, vì hai tội danh này liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng, Nhà nước hiện nay.

Thực tế cho thấy, những quy định nghiêm khắc trong đó có hình phạt tử hình, đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Về hình phạt tù chung thân không xét giảm án, Thứ trưởng Oanh lưu ý dù gọi là “không xét giảm án”, nhưng pháp luật vẫn có quy định về ân giảm và việc này thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, chủ yếu áp dụng với các trường hợp đặc xá, đại xá. Việc đưa thêm hình phạt là tù chung thân không xét giảm án có thể dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh và thay bằng hình phạt “tù chung thân không xét giảm án”.

Theo đó, các tội này, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).