“Con ơi, đừng mang cháu đến thăm mẹ nữa…” – Lời tâm sự đau lòng của 1 người già khiến bao gia đình thức tỉnh

Đừng đợi đến ngày cha mẹ thốt ra câu đó, ta mới nhớ đến nỗi khổ của họ.

Báo Phụ nữ mới có bài viết khiến nhiều người đồng cảm có tiêu đề “Con ơi, đừng mang cháu đến thăm mẹ nữa…” – Lời tâm sự đau lòng của 1 người già khiến bao gia đình thức tỉnh. Nội dung như sau:

“Mẹ ơi, vợ chồng con bận lắm, gửi cháu cho mẹ vài hôm nhé!”. Lời vừa dứt, bóng người con gái đã đi mất từ lúc nào. Bà Lưu (Trung Quốc) đứng trước cửa, nhìn đứa cháu nội xách cặp sách nhỏ, ngái ngủ đứng đó. Bà thở dài, dắt cháu vào nhà.

Trong bếp còn chồng bát đĩa tối qua chưa rửa, đồ chơi vương vãi khắp nhà, tiếng hoạt hình vẫn vang lên từ chiếc TV chưa tắt, đứa cháu vừa ngồi xuống đã réo đòi ăn. Bà vội đun nước, nấu cơm, giặt giũ… cả buổi sáng chẳng được ngồi yên lấy một phút.

Vừa cho cháu ăn trưa xong, nó không chịu ngủ trưa lại còn khóc lóc, dỗ không xong, quát cũng chẳng ăn thua, cuối cùng bà ngồi phịch xuống ghế sofa, nước mắt giàn giụa.

Nhưng những ngày như thế này, bà đã trải qua năm năm rồi.

Ai quy định rằng người già vừa nghỉ hưu là phải nhận nuôi cháu, vừa tốn tiền vừa tốn sức mà chẳng được câu cảm ơn, cuối cùng thậm chí một tiếng “cám ơn” cũng không có? Ai lại quy định rằng việc người già trông cháu là “nên làm”, còn việc con cái hiếu thảo với cha mẹ thì lại phụ thuộc vào việc “gửi cháu sang cho ông bà vui cửa vui nhà”?

 

Ảnh minh hoạ

Đây không phải là hiện tượng cá biệt, mà là thực tế đang tồn tại trong vô số gia đình.

Nhiều người trẻ ngày nay bề ngoài tự lập, nhưng thực chất chưa bao giờ thực sự “cai sữa”. Họ lập gia đình, nhà xe do cha mẹ mua, con cái sinh ra vẫn do cha mẹ nuôi.

Miệng nói “bố mẹ vất vả”, nhưng tay chẳng buông lỏng. “Mẹ có lương hưu mà, giúp chúng con một tay có sao đâu?”; “Ngày xưa bố mẹ khổ, giờ phải hưởng phúc đi chứ!”; “Chúng con là con ruột mà, bố mẹ còn phòng bị sao?”. Bao nhiêu người già, cả đời không nhờ vả ai, đến già lại không có quyền nói “không muốn trông cháu nữa”.

Kiểu “bất hiếu” mới: Mang danh phụng dưỡng cha mẹ để bắt người già chăm cháu

Ngoài việc đưa con đến nhờ cha mẹ trông, thì nhiều người trẻ lấy danh phụng dưỡng cha mẹ để ông bà giúp trông con cháu.

Việc để cha mẹ về sống với mình dường như là một biểu hiện hiếu thảo của con cái. Tuy nhiên, nếu ép cha mẹ chăm sóc con cháu như bảo mẫu thì đó là điều không nên. Đã vất vả nuôi con cả đời rồi nhưng về già vẫn phải tiếp tục chăm sóc cháu chắt, điều này sao có thể gọi là hiếu thảo được?

Con cái nên tôn trọng sở thích của cha mẹ, để họ lựa chọn con đường mà mình muốn. Chăm sóc trẻ nhỏ đòi hỏi nhiều sức lực, thời gian, không dễ dàng với bất kỳ ai. Người trẻ chăm con vất vả một thì cha mẹ già vất vả mười. Trừ khi cha mẹ thực sự muốn, còn không đừng trói buộc cuộc sống của họ.

Lòng hiếu thảo chân chính không chỉ giới hạn ở hình thức mà còn là khiến cha mẹ cảm thấy cuộc sống của mình thật thú vị và ý nghĩa. Quan trọng hơn vật chất chính là cái tâm, sự thấu hiểu của con cái khi đối xử với cha mẹ, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Để ông bà chăm cháu cũng là chuyện cực chẳng đã. Điều rõ thấy nhất là chất lượng cuộc sống của ông bà cũng giảm sút khi phải chăm cháu. Chưa kể đến những bất đồng từ cách chăm cháu giữa các thế hệ cũng dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình.

Đúng là không có ông bà hỗ trợ, phụ nữ ngại sinh con hơn. Nhưng không thể vì thế mà cứ trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của ông bà trong việc sinh con và nuôi dạy con cái trong thời đại này, chưa kể trong tương lai khi xã hội càng ngày càng phát triển.

Đối với người trẻ, đó là sự “hỗ trợ” nhưng đối với bố mẹ chúng ta, đó là sự “hy sinh” toàn bộ thời gian, tâm sức trong những năm tháng rệu rã của cuộc đời. Vậy nên, trừ khi ông bà thực sự mong muốn, nếu không nhất định đừng vin vào cớ muốn ở cùng cha mẹ để “lợi dụng” sức lực và thời gian của họ.

Cha mẹ vất vả nuôi con khôn lớn, không phải để đến khi già lại bị ta bóc lột thêm lần nữa.

Họ sẵn lòng giúp đỡ, không có nghĩa con cái có quyền bắt họ phải giúp;

Họ thi thoảng hỗ trợ, là tình cảm, không phải vốn liếng của con cái.

Đừng đợi đến khi họ già yếu không đi nổi, con cái mới nhận ra: Mình chưa bao giờ hỏi họ có mệt không, có muốn không, có thể không, mà chỉ luôn hỏi: “Bố mẹ có thể giúp con thêm chút nữa không?”. Con cái cũng đừng lấy “cho bố mẹ trông cháu” làm cớ cho hiếu thảo.

Hiếu thảo thực sự là thấu hiểu, là tôn trọng, là chăm sóc, không phải nói một tiếng rồi ném đứa cháu sang, sau đó quay lưng bỏ đi.

Cuối cùng, bà Lưu cũng lên tiếng. Tối hôm đó, cháu ngủ say, bác nhắn tin cho con trai một câu duy nhất: “Con ơi, sau này đừng mang cháu đến nhà mẹ gửi như vậy nữa”. Bà không nhẫn tâm, cũng không vô tình, mà thực sự kiệt sức rồi. Bộ xương già này không phải sắt thép; trái tim già này không phải máy móc. Tình thân, chưa bao giờ chỉ cần một phía nhiệt tình là đủ. Gia đình, không thể mãi vững chãi chỉ nhờ một người già gánh vác phía sau. Có một sự im lặng gọi là nhẫn nhịn quá lâu, có một nỗi tuyệt vọng gọi là “tôi thực sự không muốn sống như thế này nữa”.

Đừng đợi đến ngày cha mẹ thốt ra câu đó, con cái mới nhớ đến nỗi khổ của họ. Đến lúc đó, có khi ta không còn cơ hội bù đắp nữa.

Báo Thanh niên Việt ngày 30/4 có bài Cháu ở nhà cả tháng không bế nổi một lần, nhưng cứ sang ngoại chơi là mẹ chồng liên tục gọi giục bắt tôi về với lý do “nhớ cháu”. Nội dung như sau:

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác hạnh phúc khi lần đầu đưa con về nhà ngoại chơi. Gương mặt con cười non nớt trong vòng tay ông bà ngoại, khiến lòng tôi thấy ấm áp lạ thường. Ấy vậy mà chưa đầy một tiếng sau, điện thoại reo lên…

– Con ơi, cháu đã bú no chưa? Bà nhớ cháu quá, sớm đưa cháu về nhé!

Giọng mẹ chồng nhẹ nhàng vang lên trong điện thoại. Lúc ấy tôi rất vui vì tưởng mẹ chồng lo cho con dâu và cháu nội. Bố mẹ tôi biết vậy cũng chẳng giữ con gái lại làm gì, bịn rịn chơi với cháu ngoại một lúc rồi chia tay.

Đẻ xong đáng lẽ ra tôi về ngoại ở cữ, nhưng mẹ chồng lấy cớ trời đông rét lạnh, ra ngoài không tốt cho em bé sơ sinh, vậy nên tôi đành ở bên nội đến khi đầy tháng. Ông bà ngoại có sang thăm vài lần, hẹn khi nào trời ấm thì đón cháu về chơi. Đến khi mẹ con tôi xách đồ đi thì chưa được nửa ngày mẹ chồng đã gọi liên tục kêu nhớ cháu.

Tôi tưởng mẹ chồng thương cháu nội thật nên mới suốt ngày bắt tôi về như thế. Nhưng rồi tôi dần nhận ra sự giả dối của mẹ chồng, khi bà chẳng bế cháu được một ngày nào cả! Tôi đẻ con xong may mắn là nó không quấy hư, tuy nhiên nó khá yếu, mới 1 tháng đầu tiên đã nhập viện 2 lần. Vợ chồng tôi bơ phờ vì thiếu ngủ, thay phiên nhau liên tục trông con. Nếu có ông bà ngoại hỗ trợ thì tôi còn được nghỉ, nhưng mẹ chồng lại luôn kiếm cớ ngăn cản tôi về bên đó.

 

Mẹ chồng cả ngày chỉ ăn với ngủ. Bà hay sai giúp việc bế cháu nội chứ không trực tiếp chạm vào cháu. Tôi ngạc nhiên khi thấy ngày nào mẹ chồng cũng chỉ cười nói cưng nựng cháu vài câu xong thôi, rồi bà lại nằm xem điện thoại, mặc kệ con trai con dâu khổ sở liên tục chạy từ viện về nhà.

Tôi rất buồn nhưng không dám trách mẹ chồng câu nào cả. Bởi lẽ con do mình đẻ ra, tôi phải có trách nhiệm nuôi dạy nó, chứ bà nội hay bà ngoại không có nghĩa vụ phải bế cháu suốt ngày. Mẹ tôi cũng đã từng dặn dò chuyện đó, bảo tôi xác định tâm lý khi sinh con là phải chủ động lo liệu, nếu ông bà không giúp được thì không phải lỗi của họ. Ông bà cũng có quyền nghỉ ngơi, có quyền chọn hỗ trợ hoặc không, tôi không được quy chụp là họ ích kỷ.

Tôi tự dặn lòng không nên suy nghĩ nhiều quá. Nhưng đến khi con tôi gần 1 tuổi thì mẹ chồng vẫn mâu thuẫn y nguyên như vậy. Mồm bà bảo thương cháu cưng cháu, nhưng rất hiếm khi bà ôm ấp thân mật với con tôi. Nhiều lần tôi để ý thấy ở nhà, khi con chập chững tập bò tập đi trong phòng khách, mẹ chồng tôi vẫn bình thản xem phim và chẳng ngó ngàng gì đến nó cả. Có lần bà rót cốc trà nóng để uống, con tôi bò sát đến cạnh bàn rồi mà bà vẫn lướt video ngồi cười. May mà giúp việc kéo con tôi lại kịp, không thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Tính ra chưa bao giờ mẹ con tôi được ở bên ngoại quá 2 ngày. Dù nội ngoại cách nhau chỉ 6km, nhưng cứ rời nhà đi là mẹ chồng tôi lại tìm bằng được. Có hôm con tôi đang hào hứng cùng ông ngoại trồng cây ngoài vườn, mồ hôi nhễ nhại nhưng mắt sáng ngời vì thích. Thế mà bà nội cứ gọi video đòi nhìn cháu, rồi réo liên tục: “Cháu về chưa? Không được cho nó chơi ở ngoài như thế, trời nắng lại ốm sốt!”. Tôi đành bế con vào, nó khóc lóc giãy nảy đòi ra vườn trông đến tội.

Người ngoài ai cũng tưởng bà nội tốt bụng lo cho cháu, nhưng sự thật thế nào chỉ có vợ chồng tôi biết rõ. “Bà nội nhớ con lắm, về với bà con nhé”. Hồi trước tôi thường nói vậy để dỗ con về, nhưng dần dần tôi thấy sợ khi biết rõ đó là lời nói dối. Trong lòng tôi tự hỏi: Sao ở nhà quanh năm thì bà không chơi với cháu, cứ rời đi thì lại bảo nhớ nhung? Có phải vì bà không muốn cháu thân với ngoại? Hay đơn giản chỉ là thói quen giữ khư khư mọi thứ thuộc về mình?

Tôi không dám nói ra, sợ bị cho là đa nghi và nói xấu mẹ chồng. Ông bà ngoại tuy không nói gì nhưng tôi biết các cụ cũng buồn lắm. Người thật lòng thương cháu thì được gặp gỡ quá ít. Người không đủ quan tâm thì suốt ngày đòi nhốt cháu ở nhà. Còn tôi thì kẹt giữa hai bên, chẳng biết phải làm như nào để mọi người cùng vui vẻ.

Tôi chỉ mong con mình lớn lên khỏe mạnh hạnh phúc và đủ đầy tình thương từ 2 bên gia đình. Thế nhưng rõ ràng bây giờ nó thích ông bà ngoại hơn, biết đòi sang ngoại chơi. Còn bà nội sống cùng nhà nhưng con tôi không thích gần gũi.

Giờ tôi cứ bế con đi đâu là ám ảnh với việc bị mẹ chồng gọi liên tục. Không về thì bà trách mắng đến nhức đầu, mà về thì cũng chẳng để làm gì hết. Tôi từng nghe được cuộc đối thoại của mẹ chồng với hàng xóm. Bà bảo: “Cháu nội là cháu của nhà tôi, con dâu có thể thay đứa khác chứ cháu thì vẫn mang dòng máu nhà mình, không thể để cho nó đi đâu xa được”.

Đấy. Lý do bà không thương quý thân thiết với cháu nhưng cứ muốn giữ khư khư là vậy đấy…