Dự kiến sáp nhập Thái Nguyên, Bắc Kạn trở thành tỉnh Thái Nguyên với diện tích lớn gấp 2,4 lần hiện tại. Đây là nơi có những người con kiệt xuất, nhiều người nhắc đến.Sáp nhập Thái Nguyên và Bắc Kạn
Mới đây, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên năm 2025 và Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.
Dự kiến sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trên 8.300km2 (gấp 2,4 lần hiện tại), với dân số trên 1,68 triệu người (tăng thêm trên 365.000 người), kết hợp được tiềm năng, thế mạnh của 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
2 tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Kạn xưa sáp nhập với tên gọi là tỉnh Bắc Thái từ năm 1965. Sau 31 năm hợp nhất, đến ngày 1/1/1997, theo Nghị quyết kỳ họp thứ X Quốc hội khóa IX, tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên
Thái Nguyên là một tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội
Trước khi sáp nhập, mảnh đất này tự hào là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử văn hóa như Lý Nam Đế, Dương Tự Minh, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống, Đỗ Cận, Nguyễn Cầu, Phạm Nhĩ, Đàm Sâm… Năm 1884, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Thái Nguyên, chúng đã vấp phải tinh thần phản kháng mạnh mẽ, liên tục của nhân dân Thái Nguyên kéo dài từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỷ XX; tiêu biểu nhất là Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo.
Các danh nhân ở Thái Nguyên
Lý Nam Đế – vị vua đầu tiên của Việt Nam xưng đế
Lý Bí sinh ngày 12/9 năm Quý Mùi, ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Theo sử sách ghi lại thì Lý Bí là người có tài văn võ song toàn. Cha mẹ mất sớm, ông được pháp tổ thiền sư đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo (tức chùa Giang Xá, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội).
Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, tư chất khác người. Nhờ có văn võ song toàn, Lý Bí sớm được tôn lên làm thủ lĩnh một vùng. Có thời ông từng làm quan cho nhà Lương, nhưng rất bất bình với bọn quan lại đô hộ tàn ác bóc lột và đàn áp dân chúng, ông đã bỏ quan về quê chiêu binh, liên kết với nhiều hào kiệt, tù trưởng giỏi khác khởi nghĩa chống lại quan, quân đô hộ nhà Lương tại Giao Châu.
Tranh vẽ chân dung vua Lý Nam Đế (503-548). Ảnh: Bảo tàng lịch sử
Sau khi đánh dẹp được quân Lương và Lâm Ấp, tháng Giêng năm Giáp Tý (năm 544) Lý Bí lên ngôi Hoàng đế xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều.
Việc xưng Đế hiệu, đặt Quốc hiệu thể hiện ý chí độc lập, bản lĩnh kiên cường, thể hiện rõ nét ý thức trưởng thành của dân tộc. Ông lên ngôi Hoàng đế – vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, với vị thế sánh ngang Hoàng đế các nước.
Ngày 20/3 (tức ngày 13/4 dương lịch), năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Ông ở ngôi được 5 năm (544-548), thọ 46 tuổi. Thi hài của ông được an táng ngay trong động Khuất Lão. Trải qua hàng ngàn năm Lăng mộ của Vua Lý Nam Đế được nhân dân trong vùng chăm sóc thờ tự.
Dương Tự Minh – vị anh hùng dân tộc
Với mỗi người dân Thái Nguyên, danh tướng Dương Tự Minh là một vị anh hùng dân tộc rất mực gần gũi, bởi tên ông đã được đặt cho nhiều con đường, trường học. Và tại Thái Nguyên cũng có nhiều công trình đình, đền thờ phụng, tưởng nhớ ông. Tài năng, sự nghiệp và công trạng của Dương Tự Minh được chính sử ghi chép lại và hình ảnh ông cũng sáng ngời trong những truyền thuyết dân gian.
Dương Tự Minh còn gọi là Đức thánh Đuổm hay Cao Sơn Quý Minh, là người dân tộc Tày, quê ở Quan Triều, phủ Phú Lương, nay là phường Quan Triều (TP. Thái Nguyên). Ông mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ, là người thông minh, chăm chỉ và hiếu nghĩa. Năm ông ngoài 20 tuổi, trong vùng bọn phỉ tặc hoành hành cướp phá, dân tình vô cùng khốn khổ. Dương Tự Minh đã thành lập đội dân binh, tập hợp hàng trăm trai tráng trong vùng. Đội dân binh do ông chỉ huy đã chặn được sự hung hãn của bọn phỉ tặc, làng bản trở lại yên bình.
Cổng vào Đền Đuổm dưới chân núi Đuổm. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Vào năm Đinh Mùi (1127), vua Lý Nhân Tông mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng của cải, gả con gái là công chúa Diên Bình và tổ chức đám cưới tại kinh đô, phong cho chức Châu mục vùng thượng nguyên và trấn trị cả phủ Phú Lương rộng lớn, có một vị trí chiến lược quan trọng. Không phụ lòng vua, ông chăm lo xây dựng phủ Phú Lương phồn thịnh, đồng thời trấn áp các bè, đảng có nguy cơ ảnh hưởng đến sự bình yên vùng biên giới.
Năm 1150, Dương Tự Minh cùng một số trung thần bày mưu để trừ khử tên quan lộng quyền Đỗ Anh Vũ. Kế hoạch thất bại, ông bị bắt đi lưu đày và sống những năm tháng cuối đời ở chân núi Đuổm (Phú Lương). Trong dân gian lưu truyền rằng, sau này khi ông trở về quê, ông cởi bỏ quần áo xuống tắm mát trong dòng sông Phú Lương để trút bỏ hết bụi trần, mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về trời.
Đỗ Cận – Tiến sĩ được đặt bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
Thái Nguyên có một vị tiến sĩ được đặt bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám là tiến sĩ Đỗ Cận, người làng Thống Thượng, xã Minh Đức, huyện Phổ Yên.
Ông Đỗ Cận sinh năm 1434, tên thật là Đỗ Viễn, tự là Hữu Khác, hiệu là Phổ Sơn. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tức Tiến sĩ) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ chín (1478) đời vua Lê Thánh Tông.
Đền thờ Tiến sĩ Đỗ Cận. Ảnh: GDTĐ
Ông được vua đổi tên thành Đỗ Cận, được bổ làm quan tại triều, rồi bổ làm Tham nghị xứ Quảng Nam. Đỗ Cận nổi tiếng về tài năng văn học, ông là một trong “nhị thập bát tú” của “Tao đàn” do Lê Thánh Tông sáng lập. Truyện thơ Phan Trần nổi tiếng do ông viết bằng chữ Nôm đã dựng thành chèo, lưu truyền trong dân gian và phổ biến đến tận ngày nay.
Tài cao, đỗ đạt, ông luôn đau đáu nỗi quê nghèo. Ngay sau khi đi sứ về ông được thăng chức Thượng Thư, đứng đầu trong 6 Bộ của triều Lê, ông về quê đóng góp và vận động tu bổ đường sá, chùa chiền.
Ngưỡng mộ và biết ơn ông, sau khi ông mất, dân làng Thống Thượng đã dựng đền thờ ông ngay chân núi Phổ Sơn. Tại ngôi đền này, hàng năm rất nhiều sĩ tử đến thắp hương cầu mong đỗ đạt. Tấm gương về sự kiên trì rèn đức, luyện tài của Tiến sĩ Đỗ Cận đã khích lệ động viên tinh thần cho biết bao thế hệ học sinh, sinh viên Thái Nguyên.
Nguyễn Cấu – Vị quan 6 đời vua
Người dân Thái Nguyên luôn tự hào vì nơi đây là mảnh đất đã sản sinh cho nước nhà nhiều tiến sĩ tài năng dưới các triều đại phong kiến. Trong những tiến sĩ tài năng đó có Nguyễn Cấu, người làm quan suốt 6 đời Vua Lê.
Khu Lưu niệm Tiến sĩ Nguyễn Cấu. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Nguyễn Cấu, tự là Phúc Trung, sinh năm 1442 tại làng Thanh Thù (nay là xóm Thanh Xuân, phường Đồng Tiến). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ) khoa Quý Mùi (1463) niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4 đời Vua Lê Thánh Tông, làm quan tới chức thị vệ (Chức thị vệ là chức vụ chỉ huy quân thị vệ, túc vệ chuyên tháp tùng vua, chức vụ này thời ấy thường lấy quan Đại thần ban võ kiêm quản).
Vào thập niên thứ 2 của thế kỷ XVI, nhà Lê bắt đầu suy yếu, Mạc Đăng Dung uy quyền ngày càng lớn lấn lướt quyền vua và có ý đồ chuẩn bị thiết lập vương triều nhà Mạc, là trung thần của nhà Lê, Nguyễn Cấu đã bị lực lượng thân cận với Mạc Đăng Dung giết chết vào ngày 27/7/1522.
Là võ quan cao cấp giữ nhiệm vụ chỉ huy cấm vệ của nhiều đời nhà Lê, Nguyễn Cấu là người có tài, trung thành và được triều đình tin dùng. Thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn có sắc phong cho làng Thanh Thù thờ tiến sĩ Nguyễn Cấu làm Thành hoàng.
https://danviet.vn/truoc-khi-sap-nhap-thai-nguyen-diem-ten-4-nguoi-con-tai-gioi-kiet-xuat-tu-chat-khac-nguoi-d1329041.html