Không chỉ xe máy, hàng triệu ô tô cũng sẽ khó vào 2 khu vực này của Hà Nội chỉ sau 3 năm nữaĐây là bước tiếp theo trong lộ trình hạn chế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở TP Hà Nội.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028, TP Hà Nội sẽ hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Đây là một trong những nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch là những loại xe ô tô, xe máy, xe tải, … sử dụng các loại nhiên liệu như xăng, dầu diesel, khí đốt (LPG, CNG) để vận hành.
Vành đai 1, 2 của Hà Nội gồm những tuyến đường nào?
Trong đó, Vành đai 1 là tuyến đường huyết mạch, mang tính di sản của Thủ đô. Phạm vi và quy mô của Vành đai 1 là tuyến đường bao quanh trung tâm lịch sử của Hà Nội, dài khoảng 15 km, đi qua các khu vực như Kim Liên, Đại Cồ Việt, Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa.
Tuyến Vành đai 1 có lộ trình cụ thể đi qua Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Kim Liên – Hoàng Cầu – Voi Phục – Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy – Bưởi). Quy hoạch cho biết, điểm đầu của dự án Vành đai 1 sẽ nằm tại nút giao Hoàng Cầu – La Thành, còn điểm cuối tiếp giáp với đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội. Dự án này sẽ mở rộng qua các khu vực như phường Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Cát Linh, và Láng Thượng, đồng thời đi qua 2 cầu vượt tại các nút giao Giảng Võ – Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh.
Sơ đồ khái quát các tuyến Vành đai của Hà Nội. Ảnh: Kinh tế Môi trường
Còn đường Vành đai 2 là một tuyến đường bộ nội đô khép kín chạy qua địa bàn các quận, huyện: Long Biên, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ và Đông Anh. Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 43,6 km, bao gồm cả đường trên cao và dưới thấp, và có các cầu lớn như cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù.
Vành đai 2 chạy qua các điểm sau: Cầu Vĩnh Tuy; Phố Minh Khai; Phố Đại La; Ngã tư Vọng; Đường Trường Chinh; Ngã tư Sở; Đường Láng; Đường Bưởi; Đường Võ Chí Công; Cầu Nhật Tân; Cầu Vĩnh Tuy. Hiện tại, đoạn từ Ngã tư Sở đến Cầu Giấy đang được mở rộng, và các đoạn đường trên cao và dưới thấp từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đã hoàn thành.
Vành đai 3 – tuyến đường huyết mạch với mật độ giao thông cực đông đúc ở Thủ đô bao gồm các tuyến phố chính: Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển – Nghiêm Xuân Yêm – Pháp Vân – Lĩnh Nam – Vĩnh Tuy – Minh Khai – Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Giải Phóng – Trường Chinh – Láng – Võ Chí Công – Phạm Văn Đồng – Cầu Thăng Long.
https://soha.vn/khong-chi-xe-may-hang-trieu-o-to-cung-se-kho-vao-2-khu-vuc-nay-cua-ha-noi-chi-sau-3-nam-nua-198250713091254957.htm