Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn yêu cầu binh chủng đặc công huy động 20 người, trong đó có 15 người nhái tinh nhuệ nhất tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.
Ngày 29/9, tại hội nghị triển khai các phương án tiếp theo trục vớt cầu Phong Châu và tìm kiếm người mất tích trong sự cố sập cầu Phong Châu, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, Quân khu 2, các đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã phân tích những khó khăn trong việc khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu khiến công tác tìm kiếm nạn nhân và trục vớt cầu còn chưa như mong đợi.
Đại tá Phạm Hải Châu – Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng yêu cầu, binh chủng đặc công huy động lực lượng tìm kiếm gồm 20 người, trong đó có 15 người nhái tinh nhuệ nhất sẽ rà soát tổng quan từ chân cầu Phong Châu cũ, bán kính rộng 10km, xác định rõ các khu vực nước xoáy, luồng chảy; huy động phương tiện xác định mục tiêu tìm kiếm.
Tỉnh Phú Thọ cần phối hợp với các đơn vị tham gia xây dựng kế hoạch, phương án trục vớt, tìm kiếm cụ thể, tránh gây bức xúc cho người dân.
Đại tá Phạm Hải Châu cũng lưu ý, công tác tìm kiếm cần triển khai thực tế theo kết quả của người nhái lặn tìm kiếm khu vực cầu sập, đồng thời tìm kiếm theo địa chỉ thông tin do người dân cung cấp, hàng ngày phải có thông tin công khai về tiến độ triển khai.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ chủ trì, hiệp đồng với các lực lượng làm nhiệm vụ như Quân chủng Hải quân, Đặc công, Công binh… bảo đảm các điều kiện nơi ăn ở, người phục vụ, phương tiện, trông giữ trang thiết bị tại bến vượt cầu phao.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, xử lý thông tin đảm bảo chính xác, chính thống, thống nhất…
Đại tá Phạm Hải Châu khẳng định lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ tối đa cho tỉnh Phú Thọ nhằm sớm tìm kiếm số nạn nhân mất tích còn lại và trục vớt nhịp cầu bị sập.
Cũng ngày, tại bến sông thuộc khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông (Phú Thọ), Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) chủ trì, phối hợp với các lực lượng triển khai bắc, nối thông cầu phao PMP 60T bảo đảm giao thông cho người dân hai bên bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và Lâm Thao.
Vị trí bắc cầu ở phía hạ lưu, cách địa điểm cầu Phong Châu bị sập nhịp ngày 9/9 khoảng 300m.
Dự kiến cầu được vận hành trong thời gian từ 6h đến 22h hàng ngày từ 30/9 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Các phương tiện xe thô sơ, xe máy, xe gắn máy, xe mô tô 3 bánh được phép lưu thông 2 chiều, vận tốc không quá 5km/h.
Đối với ô tô, chỉ cho phép ô tô con, xe bán tải lưu thông 1 chiều khi qua cầu, thời gian mỗi chiều lưu thông 10 phút, khoảng cách giữa các xe trên cầu không quá 30m, vận tốc không quá 10km/h.
Thời điểm lắp cầu phao, sông Hồng tại vị trí bắc cầu có chiều rộng gần 190m, lưu tốc dòng chảy khoảng 1,1m/s, độ sâu trên 12m.
Lữ đoàn 249 huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ và gần 90 phương tiện các loại tham gia thực hiện nhiệm vụ. Trước đó, Lữ đoàn 249 phải gia cố trên 11.000m3 đá ở 2 bến và đường lên xuống cầu, đồng thời thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi vận hành cầu phao. Ngày 28/9, Lữ đoàn 249 tổ chức hạ thủy ca nô và các đốt cầu.
Để bắc cầu, Lữ đoàn 249 sử dụng 26 đốt khơi, 2 đốt mố. Sau khi hoàn thành việc bắc cầu, đơn vị tổ chức thông xe kỹ thuật, kiểm tra, hiệu chỉnh kỹ thuật, hoàn tất các công đoạn.