Dự án gần 5.000 tỷ ở Vĩnh Phúc vẫn nham nhở sau 2 tháng khắc phục

Trước các đợt mưa lớn, dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng chưa bàn giao đã xuống cấp, sau 2 tháng khắc phục, đến nay nhiều vị trí vẫn nham nhở.

Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có tổng vốn đầu tư khoảng 4.815 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD), gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới 150 triệu USD và nguồn đối ứng của tỉnh Vĩnh Phúc 70 triệu USD.

Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý ODA tỉnh Vĩnh Phúc (thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc). Dự án được thực hiện trên địa bàn 7 huyện, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc: Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Phúc Yên và Vĩnh Yên.

Vào tháng 8/2024, nhiều vị trí thuộc dự án có dấu hiệu hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.

W-IMG_8682.JPG.jpgHình ảnh kênh dẫn nối từ trạm bơm tiêu Nguyệt Đức – Yên Phương ra sông Hồng tại huyện Yên Lạc vào thời điểm tháng 8/2024. Ảnh: Đức Hoàng

Trả lời VietNamNet ngày 13/8, ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc Ban Quản lý ODA tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nguyên nhân một số hạng mục công trình bị hư hỏng là do mưa lớn. Chủ đầu tư đã yêu cầu các nhà thầu khắc phục triệt để các vị trí bị hư hại trước khi bàn giao công trình.

Tuy nhiên, ghi nhận của VietNamNet vào đầu tháng 10/2024 tại dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc cho thấy, các vị trí hư hỏng trước đó vẫn chưa được xử lý dứt điểm, hiện trạng công trình tại một số điểm vẫn nham nhở, ngổn ngang vật liệu.

Chủ đầu tư phải thuê đơn vị xác định nguyên nhân hư hỏng

Ngày 4/10, gần 2 tháng sau khi khẳng định sẽ yêu cầu nhà thầu vào cuộc khắc phục hư hỏng tại dự án, trả lời VietNamNet, ông Hồ Quang Phúc cho biết, đến nay việc này vẫn chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân chậm trễ là do thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra mưa lớn, mực nước sông dâng cao.

Theo ông Phúc, dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành hạng mục trạm bơm và kênh xả vào ngày 31/12/2023 để đạt tiến độ giải ngân vốn vay.

“Dự án đã xong nhưng chưa thể ký với nhà thầu để chấp thuận việc nghiệm thu tổng thể. Nguyên nhân là phải chờ qua mùa mưa lũ, để công trình vận hành mới đánh giá”, ông Phúc thông tin.

Theo ông Phúc, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm thì tỉnh Vĩnh Phúc hứng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2 và số 3.  Đặc biệt là bão số 3 khiến mực nước sông Hồng và Phó Đáy dâng cao, vượt qua các dữ liệu dự tính khi triển khai dự án vào giai đoạn 2014-2015.

“Mực nước sông Hồng có thời điểm ở trên mức báo động 2 và sông Phó Đáy trên báo động 3. Mực nước các sông xung quanh tỉnh Vĩnh Phúc đều dâng cao. Cùng với đó, khu vực rừng Tam Đảo xảy ra mưa lớn, nước dồn về buộc phải xả lũ, xả tràn các hồ Thanh Lanh, Xạ Hương và Đại Lải.

W-sua chua 2.jpgNgày 7/10, kênh dẫn từ trạm bơm Nguyệt Đức – Yên Phương ra sông Hồng thuộc dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc vẫn nham nhở đất đá. Ảnh: Đức Hoàng

Do mưa lớn, nước sông dâng cao, toàn bộ hệ thống kênh xả thuộc dự án đã bị chìm sâu, ngập nước hoàn toàn gây ra sạt lở các đoạn kênh xung yếu tại sông Phó Đáy và sông Hồng”, ông Hồ Quang Phúc phân tích nguyên nhân sạt lở tại dự án gần 5.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, theo Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị đã phối hợp với bên tư vấn giám sát, nhà thầu thi công triển khai khắc phục, đảm bảo tiêu thoát lũ.

Mặc dù đề cập nhiều đến các yếu tố ngoại cảnh tác động đến dự án (mưa lớn, lũ lụt), tuy nhiên ông Hồ Quang Phúc lại cho rằng, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xác định được nguyên nhân các hạng mục thuộc dự án bị hư hỏng.

Để làm được việc này, ông Phúc cho biết, Ban Quản lý Dự án ODA tỉnh đang thuê Viện Thủy công (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) để báo cáo, đánh giá và tìm hiểu nguyên nhân xảy ra các hư hỏng trong thời gian vừa qua.

Khi được hỏi về thời hạn khắc phục xong các vị trí hư hỏng thuộc dự án, ông Phúc cho biết sẽ hoàn tất trong năm nay.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin.