Vụ cháy quán karaoke 32 người chết: Cựu cảnh sát liên tục khóc nức nở, phủ nhận cáo buộc

Ngày 25/10, phiên tòa sơ thẩm vụ án cháy karaoke 32 người chết đã xét hỏi xong, TAND tỉnh Bình Dương quyết định nghị án kéo dài.

Ngày 25/10, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tiếp tục phiên xử sơ thẩm liên quan vụ cháy karaoke An Phú (phường An Phú, TP Thuận An, Bình Dương) khiến 32 người chết cách đây hơn 2 năm (6/9/2022).

Trong phiên xét xử buổi chiều, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã trình bày bản luận tội đối với 6 bị cáo.

Sau đó, các luật sư trình bày quan điểm bào chữa và các bị cáo nói lời sau cùng.

Đáng chú ý, khi nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Thị Hồng (cựu Phó Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH) vẫn kêu oan, không nhận tội. Các bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt.

Vụ cháy quán karaoke 32 người chết: Cựu cảnh sát liên tục khóc nức nở, phủ nhận cáo buộc- Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Thị Hồng bị đề nghị mức án 7-8 năm

Vụ cháy quán karaoke 32 người chết: Cựu cảnh sát liên tục khóc nức nở, phủ nhận cáo buộc- Ảnh 2.

Luật sư bào chữa phát biểu trong phiên toà ngày 25/10

Trình bày trước toà, bị cáo Phạm Thị Hồng liên tục bật khóc nức nở kêu oan và cho rằng mình vô tội. “Từ đầu tới giờ, lời khai của tôi không bất nhất. Tôi vẫn giữ vững quan điểm của mình, tôi vẫn bảo vệ mình bởi vì tôi không làm, tôi không thi công thì phải có hợp đồng. Nói tôi mua vật tư thì tại sao không đi tìm chứng cứ tôi chuyển tiền, tôi mua vật tư như thế nào.

HĐXX có hỏi, bị cáo có đền bù cho những nạn nhân mất trong vụ án này không, bị cáo có nói sống giữa người với người, tình người thì bị cáo có thể chia sẻ nhưng trong việc này bị cáo không phải là tội phạm, bị cáo không chịu trách nhiệm đền bù“, bị cáo Hồng nói.

Vụ cháy quán karaoke 32 người chết: Cựu cảnh sát liên tục khóc nức nở, phủ nhận cáo buộc- Ảnh 3.

Bị cáo Phạm Thị Hồng liên tục bật khóc nức nở kêu oan và cho rằng mình vô tội

Tại cáo trạng công bố trong phiên tòa này, Viện Kiểm sát nêu rằng bà Phạm Thị Hồng là người nhận thi công hệ thống PCCC của Cơ sở An Phú. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, đủ cơ sở khẳng định vào năm 2017, bà Hồng không có tư cách pháp nhân, không được cấp giấy phép kinh doanh lĩnh vực PCCC nhưng đã nhận hợp đồng thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy của Cơ sở An Phú.

Bà Hồng đã lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp với Phạm Quốc Hùng (cựu cán bộ Cảnh sát PCCC Bình Dương) tác động nhờ Hùng kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC của Cơ sở An Phú, Hùng đồng ý.

Do bà Hồng không có tư cách pháp nhân nên bà Hồng nhờ Nguyễn Thành Luân ký hợp thức hóa vào biên bản nghiệm thu do Phạm Quốc Hùng lập.

“Như vậy, Phạm Thị Hồng nhận làm dịch vụ thi công hệ thống PCCC của Cơ sở An Phú nhưng không đủ điều kiện hành nghề dịch vụ PCCC theo quy định tại Điều 46 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014, của Chính phủ” – Cáo trạng nêu.

Vụ cháy quán karaoke 32 người chết: Cựu cảnh sát liên tục khóc nức nở, phủ nhận cáo buộc- Ảnh 4.
Vụ cháy quán karaoke 32 người chết: Cựu cảnh sát liên tục khóc nức nở, phủ nhận cáo buộc- Ảnh 5.

Các bị cáo nói lời sau cùng tại phiên xét xử sơ thẩm

Phiên tòa kéo dài đến gần 19h tối cùng ngày mới kết thúc, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bình Dương quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 30.10 tới đây.

Trước đó, ở phần luận tội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị tuyên phạt mức án từ 5-6 năm tù đối với bị cáo Lê Anh Xuân (chủ quán karaoke An Phú), Vũ Trường Sơn, Phạm Quốc Hùng (đều là cựu cán bộ phòng PCCC & CNCH) về tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.

Cùng tội danh này, Nguyễn Thành Luân (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh) bị đề nghị mức án 3-4 năm tù; Phạm Thị Hồng (cựu Phó Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH) bị đề nghị mức án 7-8 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Võ (cựu cán bộ của Đội PCCC&CNCH Công an TP Thuận An) bị đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.