Cựu bộ trưởng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng các đồng phạm bị truy tố trong vụ án xảy ra tại Sài Gòn Đại Ninh.
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao vừa ra cáo trạng vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.
Ông Mai Tiến Dũng khi đương chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Theo đó, VKSND truy tố bị can Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ và Nguyễn Hồng Giang, cựu vụ trưởng Vụ II Thanh tra Chính phủ (TTCP) cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Có 6 người bị cáo buộc phạm tội “Nhận hối lộ” gồm: Trần Đức Quận, cựu bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng; Trần Đức Hiệp, cựu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Lê Quốc Khanh, cựu phó cục trưởng Cục II, TTCP; Hoàng Văn Xuân, cựu thanh tra viên chính TTCP; Nguyễn Nho Định, cựu thanh tra viên TTCP; Nguyễn Ngọc Ánh, cựu Thanh tra viên chính TTCP. Bị can Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Giáo dục Văn Lang, bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.
Theo cáo trạng, năm 2010, Công ty Sài gòn Đại Ninh được thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại Lâm Đồng.
Quá trình thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013 đến 2018, TTCP xác định Công ty Sài Gòn Đại Ninh trong quá trình thực hiện Dự án Đại Ninh có nhiều vi phạm nên kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của Dự án Đại Ninh.
Biết việc này, bị can Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, thỏa thuận mua lại Dự án Đại Ninh. Cùng với đó, bị can Trí lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với các cá nhân tại Văn phòng Chính phủ, TTCP, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng để thực hiện hành vi thay đổi, điều chỉnh trái pháp luật quyết định của Nhà nước.
Việc này khiến các cá nhân tại TTCP thực hiện hành vi trái pháp luật khi ban hành kết luận mới theo hướng hủy bỏ kiến nghị thu hồi Dự án Sài Gòn Đại Ninh. Nhóm cán bộ tại Lâm Đồng thì đồng ý thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển dự án cho Nguyễn Cao Trí rồi đồng thuận không thu hồi dự án.
Những hành vi trên khiến dự án vốn phải thu hồi trở thành cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện và người hưởng lợi là Nguyễn Cao Trí. Lý do, vị này bán dự án cho Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Bất động sản Thiên Vương thuộc Tập đoàn Novaland, với giá 27.600 tỉ đồng. Sau đó, phía Novaland đã trả 2.700 tỉ đồng cho bị can Trí và viện kiểm sát đề nghị tịch thu số tiền này.
Trong quá trình can thiệp cán bộ nhà nước, bị can Nguyễn Cao Trí nhiều lần đưa hối lộ như đưa ông Trần Văn Minh, Phó tổng TTCP (đã mất) 2 lần, tổng số 10 tỉ đồng. Đưa tiền cho các cá nhân tại TTCP và Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng, như Lê Quốc Khanh 900 triệu đồng; Hoàng Văn Xuân, 150 triệu đồng…
Ngoài ra, bị can Nguyễn Cao Trí đưa hối lộ cho Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, 5 lần tổng số 2,1 tỉ đồng; cho Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, 7 lần tổng số 4,2 tỉ đồng.
Trong vụ án, bị can Trần Văn Hiệp và Trần Đức Quận bị xác định nhận hối lộ, rồi giúp Nguyễn Cao Trí thực hiện các bước triển khai, gia hạn Dự án Đại Ninh trái quy định pháp luật.
Đối với bị can Mai Tiến Dũng, Cơ quan điều tra xác định với vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, mặc dù không được phân công phụ trách lĩnh vực thanh tra, giải quyết đơn thư nhưng thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên và do có mối quan hệ quen biết với Nguyễn Cao Trí, bị can Dũng đã nhận đơn kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh từ Trí.
Sau đó, bị can Mai Tiến Dũng bút phê giao cho Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I tham mưu, xin ý kiến và truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về việc chuyển đơn và giao TTCP kiểm tra, rà soát, giải quyết phản ánh, kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, trái quy định pháp luật. Sau đó, bị can Mai Tiến Dũng được Nguyễn Cao Trí đưa cảm ơn số tiền 200 triệu đồng.
Người lao động