Bộ LĐ-TB&XH đưa ra mức tính tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng cho người lao động tại dự thảo Quy định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức lương hưu hàng tháng của người đủ điều kiện quy định về hưu được tính toán theo điều 64 và 65 của Luật BHXH. Cách tính lương hưu được áp dụng theo điều 66 của Luật này.
Bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa
Đối với trường hợp người lao động số năm đóng BHXH (trên 30 năm đối với nữ, trên 35 năm đối với nam), nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu vẫn bị trừ tỷ lệ lương hưu, không được hưởng mức tối đa.
Có thể lấy ví dụ cụ thể như sau. Bà A 55 tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, có 32 năm 4 tháng đóng BHXH bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2025.
Trường hợp của bà A được tính tỷ lệ hưởng lương hưu như sau:
15 năm đầu được tính bằng 45%;
Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm, mỗi năm tính thêm 2% bằng 34%;
4 tháng được còn lại của bà A. được tính là nửa năm, tính thêm 1%.
Tổng các tỷ lệ trên là: 45% + 34% + 1% = 80% (nhưng mức tối đa chỉ tính tối đa bằng 75%);
Bà A nghỉ hưu trước tuổi quy định (56 tuổi 8 tháng) là 1 năm 8 tháng nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2% + 1% = 3%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A là 75% – 3% = 72%.
Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm ( hơn 2 năm 4 tháng) nên ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần là 2,5 năm x 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Hơn 40 tuổi đóng BHXH vẫn có lương hưu
Luật BHXH mới quy định, người lao động đến tuổi nghỉ hưu chỉ cần đóng BHXH 15 năm thay vì 20 năm như Luật BHXH 2014 vẫn được hưởng chế độ lương hưu.
Có thể lấy ví dụ trường hợp của ông B 61 tuổi 3 tháng, làm việc trong điều kiện bình thường, có 18 năm 4 tháng đóng BHXH bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/9/2025.
Với trường hợp của ông B, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:
15 năm đầu được tính bằng 40%;
Từ năm thứ 16 đến năm thứ 18 là 3 năm, tính thêm: 3 x 1% = 3%;
4 tháng được tính là nửa năm, tính thêm 0,5%
Tổng các tỷ lệ trên là: 40% + 3% + 0,5% = 43,5%.
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông B là 43,5%.
Lao động nặng nhọc, độc hại về hưu trước tuổi
Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra cách tính với trường hợp lao động nặng nhọc, độc hại nguy hiểm do Bộ trưởng bộ này ban hành. Ví dụ: Ông K nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 4/2027 khi đủ 55 tuổi.
Ông Khôi có 30 năm đóng BHXH, trong đó có 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành; bị suy giảm khả năng lao động 81%.
Trường hợp của ông K được tính tỷ lệ hưởng lương hưu của như sau:
20 năm đầu được tính bằng 45%.
Từ năm thứ 21 đến năm thứ 30 là 10 năm, tính thêm: 10 x 2% = 20%.
Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 20% = 65%.
Ông Khôi nghỉ hưu trước tuổi 56 tuổi 9 tháng (tuổi nghỉ hưu năm 2027 của người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) là 1 năm 9 tháng nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 2% + 1% = 3%;
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông K là 65% – 3% = 62%.