Người phụ nữ dân tộc Tày – mẹ của bốn con nhỏ đã hiến tặng tạng sau khi cô gặp một tai nạn lao động nghiêm trọng để hồi sinh nhiều cuộc đời.
Ngày 31/12/2024, Đời sống Pháp luật đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Cô gái trẻ bật khóc nức nở bên giường bệnh, nén đau thương hiến tạng mẹ ‘hồi sinh’ nhiều cuộc đời. Nội dung cụ thể như sau:
Người phụ nữ dân tộc Tày – mẹ của bốn con nhỏ đã hiến tặng tạng sau khi cô gặp một tai nạn lao động nghiêm trọng để hồi sinh nhiều cuộc đời. Hàng chục người cúi đầu tạm biệt chàng trai 18 tuổi qua đời vì TNGT: Bố mẹ nén đau thương, quyết định hiến tạng hồi sinh 6 cuộc đời mới Nam bệnh nhân 42 tuổi chết não hiến tạng cứu nhiều người sau vụ tai nạn cầu thang Hàng chục y bác sĩ cúi đầu tri ân chàng trai chết não hiến tạng cứu 7 người
Ngày 31/12, theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, bệnh viện này đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận từ người hiến chết não.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã thành công trong việc vận động gia đình người phụ nữ dân tộc Tày – mẹ của bốn con nhỏ, hiến tạng sau khi cô gặp một tai nạn lao động nghiêm trọng và không qua khỏi. Trong nỗi đau mất mát lớn lao, gia đình người phụ nữ này đã quyết định dũng cảm hiến tạng của người thân, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân đang cận kề cái chết.
Ngay khi nhận được thông tin, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức vận chuyển bệnh nhân đến Hà Nội.
Bên trong phòng mổ ở Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), một cô gái trẻ – là con gái lớn của bệnh nhân đeo khẩu trang, khoác trên mình tấm áo vàng của người nhà bệnh nhân ngồi lặng lẽ bên giường bệnh.
Dù là chị cả đã rất cố gắng mạnh mẽ nhưng giây phút này cô gái trẻ cũng đã suy sụp, gục ngã. Vừa vòng tay ôm rồi gục đầu cạnh giường bệnh, cô gái trẻ nghẹn ngào khóc nấc, “Mẹ bảo đợi con đi lấy chồng nữa mà mẹ”.
Sự ra đi đột ngột của người mẹ khiến cô gái như mất đi chỗ dựa, từ nay người chị cả sẽ phải thay phần mẹ để gánh vác gia đình và lo cho các em thơ dại. Những giọt nước mắt lăn dài trên má cô gái trẻ cũng những tiếng thủ thỉ tâm tình lần cuối bên mẹ đã khiến nhiều người xúc động rưng rưng.
Trước giây phút cuối thực hiện cuộc phẫu thuật hiến tạng, cô gái đã cầm điện thoại gọi điện về cho 2 em ở quê nhà Lào Cai để người thân được nhìn mặt mẹ, từ biệt mẹ lần cuối.
Dù mẹ đã rời đi, sống tiếp trong hình hài khác nhưng tình yêu của người mẹ vẫn ôm trọn và luôn hướng về các con.
Theo thông tin trên báo Vietnamnet, Các chuyên gia hàng đầu của Việt Đức đã hướng dẫn ê-kíp bác sĩ Lào Cai các bước tiến hành đánh giá chết não, hồi sức bệnh nhân và thực hiện lấy tạng ngay tại Hà Nội. Một trái tim, một lá gan và một quả thận đã được ghép thành công cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Quả thận còn lại, như một sứ mệnh tiếp nối, được vận chuyển xuyên đêm về Lào Cai, tạo nên tiền đề cho ca ghép thận lịch sử tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Dưới sự hướng dẫn tận tình và hỗ trợ chuyên sâu từ các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đội ngũ y bác sĩ tại Lào Cai tiếp cận kỹ thuật đánh giá tình trạng chết não và thực hiện thành công ca ghép thận cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
Đây là ca ghép tạng đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai. Thành công này không chỉ cứu sống con người mà còn thắp sáng niềm hi vọng cho hàng trăm bệnh nhân khác tại địa phương đang chờ đợi phép màu y học.
Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ lấy ngày 20/5 hằng năm là Ngày Hiến tạng quốc gia, nhằm tôn vinh nghĩa cử cứu người, đồng thời kêu gọi cộng đồng hiến tặng mô, tạng sau khi chết não.
Theo Bộ Y tế, đã 32 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay, ngành Y tế Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép tạng, tiệm cận thế giới với tỷ lệ sống cao, chi phí phù hợp. Trung bình mỗi năm, ngành thực hiện hơn 1.000 ca ghép tạng.
Tuy nhiên hiện nay, vấn đề khan hiếm nguồn tạng hiến đã gây trở ngại trong công tác này. Số lượng tạng hiến chủ yếu là từ người cho sống. Năm 2024, ngành ghi nhận có 39 người chết não hiến tạng – con số cao nhất từ trước đến nay song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và vẫn còn nhiều người bệnh không có tạng để ghép.
Trước khó khăn đó, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ lấy ngày 20-5 là Ngày Hiến tạng quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, lấy, hiến xác phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia triển khai hoạt động điều phối tạng, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.
Ngày 28/12, báo Vnexpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Ước mơ từ thiện của bé trai ghép thận từ người chết não”. Nội dung cụ thể như sau:
“Con hay đọc kinh Phật, ước mơ khỏe mạnh để mở quán chay từ thiện, nhưng chưa biết sẽ làm thế nào”, Cường chia sẻ ngày 27/12, một tuần sau ca ghép thận tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Hiện, cậu bé có thể tự xuống giường, đi lại chậm rãi trong phòng cách ly và tiểu 4-5 lít mỗi ngày, điều mà trước đây không thể làm được. Gần một năm qua, biến chứng cường cận giáp do suy thận giai đoạn cuối khiến hai chân Cường đau yếu, đi lại khó khăn, phải nhờ bố mẹ dìu hoặc bế.
Bác sĩ Võ Thị Tường Vy, Khoa Thận Nội tiết, khám cho bé Cường trong phòng cách ly. Ảnh: Lê Phương
Năm 2020, khi học lớp 4, Cường đột nhiên không ăn được, ói ra máu. Bệnh viện ở Long An chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối, chuyển đến TP HCM chạy thận nhân tạo cấp cứu. Kể từ đó, một tuần ba ngày, Cường thức dậy từ 4h, ngồi sau xe máy của bố hoặc mẹ vượt quãng đường gần 70 km đến viện chạy thận, bất kể mưa nắng hay lễ Tết.
Từ cậu bé hiếu động, thích đá bóng, chạy nhảy cùng bạn bè, Cường dần trở nên trầm tính, ngoài lúc đi viện chỉ quanh quẩn trong nhà, bỏ học. Bệnh khiến Cường suy kiệt, từ 30 kg hiện còn 23 kg. Các bác sĩ ấn tượng bởi đây là cậu bé “hiền lành, nói chuyện nhỏ nhẹ, ngoan nhất tại khoa”, luôn nghe lời dặn dò của nhân viên y tế, chịu đựng đau đớn không khóc.
Để Cường không phải gắn bó cả đời với bệnh viện, có thể sinh hoạt bình thường, hòa nhập cuộc sống, các bác sĩ tư vấn phương pháp ghép thận. Tuy nhiên, bố mẹ bé đều không phù hợp hiến thận. Cường ghi tên vào danh sách chờ ghép thận từ người hiến chết não – “chiếc phao cứu sinh” cuối cùng.
Khuya 18/12, nhận tin bệnh viện báo có quả thận từ người đàn ông chết não ở Bình Dương khả năng cao tương thích với Cường, mẹ bé – chị Hảo “mừng muốn khóc, hồi hộp đến mức không ngủ được”. Hôm sau, bác sĩ Võ Thị Tường Vy, Khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, thông báo các kết quả xét nghiệm phù hợp, bé nhập viện chuẩn bị ghép.
Trong lúc ngổn ngang nỗi lo về chi phí, chị Hảo “quá mừng rỡ” khi được bệnh viện báo tin Chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng – VnExpress) hỗ trợ 100 triệu đồng cho ca ghép thận. Chị là công nhân nhưng đã nghỉ việc từ ngày con bệnh, chồng làm thuê, không có đất ruộng, ở nhờ nhà ông bà. Nhiều năm theo đuổi điều trị bệnh cho Cường khiến kinh tế gia đình thêm khó khăn.
Sáng 20/12, quả thận được lấy ra khỏi cơ thể người đàn ông 47 tuổi, được cảnh sát giao thông hộ tống từ Bình Dương về TP HCM để ghép cho bé Cường. Cùng lúc đó, một quả thận khác ra sân bay Tân Sơn Nhất kịp chuyến bay đi Hà Nội đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Giác mạc người hiến được Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận. Lá gan được bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM chia đôi, một ghép cho người đàn ông 61 tuổi, một ghép cho em bé hai tuổi.
BS.CK2 Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận Niệu và BS.CK1 Phan Nguyễn Ngọc Tú trong ca ghép thận cho Cường. Ảnh: Nguyễn Tâm
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết ca ghép thận cho bé Cường gặp nhiều thách thức do tình trạng xơ hóa nghiêm trọng mạch máu vùng chậu. Đây là hệ quả của quá trình điều trị suy thận kéo dài, khiến việc ghép gặp nhiều nguy cơ. Xơ hóa mạch máu làm giảm độ đàn hồi và lưu thông của máu, tăng nguy cơ tắc nghẽn, chảy máu hoặc thậm chí là hoại tử thận ghép.
Đã chụp CT-scan dựng hình mạch máu và siêu âm Doppler trước mổ, tiên lượng những khó khăn, song êkíp ghép tốn nhiều thời gian trong lựa chọn vị trí mạch máu để khâu nối giữa mạch máu thận hiến và mạch máu của người nhận. Do động mạch chậu ngoài bị xơ hóa, phẫu thuật viên quyết định sử dụng động mạch chậu chung để khâu nối, giúp đảm bảo máu lưu thông tốt, thận mới hoạt động hiệu quả.
Vượt qua ca mổ nhiều gian nan, chức năng thận của Cường hồi phục tốt, các chỉ số trở về bình thường, theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Thận Nội tiết. Dự kiến cậu bé sẽ xuất viện sau mổ 10-14 ngày, sau đó duy trì uống thuốc chống thải ghép, thoát cảnh liên tục vào bệnh viện chạy thận.
“Gia đình chỉ biết mơ ước, chờ đợi, nhưng chưa dám nghĩ đến có ngày nhận được món quà vô giá này”, mẹ bé Cường nói. Cậu bé đang mong chờ ngày được về nhà, đi học trở lại, vui chơi cùng các bạn, có thể thoải mái uống nhiều nước, ăn nhiều món hơn so với trước.
Bé Cường đã có thể đi lại nhẹ nhàng, không còn đau chân như trước, bên cạnh giường là bịch nước tiểu có được nhờ ghép thận. Ảnh: Lê Phương
Đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện thành công 33 ca ghép thận cho trẻ, trong đó 3 trường hợp từ người hiến chết não. Nhiều em đã tốt nghiệp đại học, lập gia đình sinh con khỏe mạnh. “Cường là trường hợp đầu tiên êkíp gặp khó khăn về tình trạng xơ hóa mạch máu vùng chậu, nên thành công của ca ghép này mở ra hy vọng mới cho nhiều bệnh nhi khác đang chờ đợi ghép thận”, BS.CK1 Phan Nguyễn Ngọc Tú, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, nói.
Ghép thận là phương pháp thay thế thận tối ưu. Chưa kể, tổng chi phí phải trả hàng tháng ít tốn kém hơn so với chạy thận và điều trị các biến chứng liên quan.
Bệnh viện đang có hơn 40 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo. Các bác sĩ kỳ vọng có thêm nguồn tạng để có thể ghép cứu các bé. Hiện, khan hiếm nguồn tạng vẫn là trở ngại lớn nhất, còn trường hợp gia đình khó khăn không đủ chi phí ghép thì không đáng lo bởi bệnh viện có thể vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.
“Có bé thì bố đã qua đời, mẹ là trụ cột kinh tế, còn phải nuôi những đứa con khác nên không dám mạo hiểm hiến thận. Một số trường hợp bố mẹ bệnh, không đủ sức khỏe hiến thận cứu con”, bác sĩ chia sẻ.