Hà Nội tiếp tục chìm trong ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Những nhận định mới nhất cho thấy, trong vài ngày tới, Hà Nội tiếp tục chìm trong ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Riêng 3 ngày đầu tuần (6-8/1), tình trạng ô nhiễm ở ngưỡng rất xấu với khuyến cáo mọi người nên hạn chế hoạt động ngoài trời.

Sáng nay (5/1), ô nhiễm không khí tiếp tục bao trùm Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình.

Hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ô nhiễm sáng nay tại miền Bắc phổ biến ở ngưỡng xấu (có hại cho sức khoẻ mọi người).

Tại một số điểm đo lên ngưỡng rất xấu như tại Thái Nguyên, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) và thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Đây là mức rất có hại cho sức khoẻ mọi người. Kết quả ghi nhận tương đương tại các hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, PAM Air.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận Hà Nội ô nhiễm thứ ba thế giới lúc 9h00 sáng nay, chỉ sau thành phố Dhaka của Bangladesh và Thủ đô Bagdad của Iraq.

Mức độ ô nhiễm của Hà Nội sáng nay còn vượt xa hai thành phố thường xuyên đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí là Delhi của Ấn Độ và Karachi của Pakistan.

Trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận, đợt ô nhiễm có thể kéo dài thêm khoảng 3-4 ngày tới. Trong đó hai ngày 6-7/1, mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng rất xấu, rất có hại cho sức khoẻ mọi người. Thời gian ô nhiễm có thể bao trùm cả ngày.

Khoảng 9-10/1, một đợt gió mùa đông bắc mạnh có thể tràn xuống nước ta, chấm dứt tình trạng ô nhiễm kéo dài suốt nhiều ngày qua ở miền Bắc. Ngày 9/1, ô nhiễm có thể chỉ xuất hiện trong buổi sáng. Chiều 9/1 và ngày 10/1, ô nhiễm không khí có thể được cải thiện. Tuy nhiên, những ngày sau đó, nguy cơ ô nhiễm không khí tái diễn.

Theo TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí từ các bệnh đường hô hấp cấp, sự trầm trọng thêm các bệnh nền như hen suyễn và các tình trạng khác như đột quỵ, bệnh tim và ung thư phổi. Trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Theo TS. Angela Pratt, cần đối xử với ô nhiễm không khí như cách chúng ta đã đối xử với COVID-19 – coi đó như một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ bốn nhóm nguồn thải lớn là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí gồm nguồn thải từ giao thông, hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ, vàng mã.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các giải pháp dự báo chất lượng không khí để hạn chế tác động của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ mọi người.