Chị Cúc, chủ quán cháo sườn ở Đội Cấn cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, chị không có mặt tại quán. Tuy nhiên, chị quyết định cho nhân viên tên N. nghỉ việc vì có thái độ thiếu đúng mực với khách.
Đưa tin về vụ việc, báo Dân trí ngày 16/1 có bài: “Khách tố bị hành hung, chủ quán cháo sườn ở Hà Nội cho nhân viên nghỉ việc”. Nội dung cụ thể như sau:
Mới đây trên một diễn đàn chuyên chia sẻ về ẩm thực, vị khách (không tiết lộ danh tính) chia sẻ trải nghiệm đáng nhớ của mình khi tới ăn tại quán cháo nằm trên phố Đội Cấn (Hà Nội).
Vị khách cho biết, đây là quán mà chị vẫn thỉnh thoảng tới ăn vì gần nơi làm việc. Trong lần tới ăn gần đây, khi vào trong nhà ngồi, nơi đã xếp sẵn bàn ghế, chị bị một nữ nhân viên yêu cầu mời ra ngồi ở ngoài sân.
Do không muốn đôi co, vị khách liền làm theo. Tuy nhiên vì trời rét, chị chọn chỗ ngồi cạnh bếp lửa cho ấm thì bị nữ nhân viên nói ra những lời khó nghe.
Mới đầu buổi sáng phải nghe những lời ức chế khiến vị khách không hài lòng và đứng dậy bỏ đi luôn. Sau đó, nữ nhân viên này đuổi theo và có những hành vi tác động lên cơ thể đối phương. Vị khách cũng chia sẻ chuyện bị nữ nhân viên nọ bẻ gãy móng tay sau khi va chạm.
Phẫn nộ trước cách hành xử kém văn minh của nhân viên bán hàng, cô gái đã chia sẻ câu chuyện của mình và thu hút lượng tương tác lớn.
Bên dưới bài viết với hàng nghìn bình luận, nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước cách hành xử của người nhân viên.
“Chưa biết ai đúng ai sai thế nào, nhưng riêng việc hành hung gây tổn hại tới cơ thể người khác thì không thể chấp nhận. Cần phải loại bỏ những hành vi bạo lực trong mọi tình huống”, một tài khoản có tên Đăng Quang lên tiếng.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngành ăn uống rất đặc thù không khác gì “làm dâu trăm họ”, chuyện nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách là một trong những yếu tố cốt lõi và sống còn để các nhà hàng có thể tồn tại giữa thời buổi cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Theo tìm hiểu, nơi xảy ra vụ việc là một quán cháo sườn sụn khá nổi tiếng với thực khách, nằm trên phố Đội Cấn thuộc quận Ba Đình.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Cúc, chủ quán cháo xác nhận vụ việc xảy ra tại cơ sở của mình vào khoảng 8h15 ngày 15/1. Theo người này, thời điểm đó chị không có mặt và mọi việc đều do nữ nhân viên tên N. đảm nhiệm.
Khi biết có vụ xô xát diễn ra tại quán, chị Cúc có xem lại camera giám sát và nắm bắt tình hình. Từ hình ảnh và âm thanh trong camera trích xuất, chủ quán nhận định đây là điều đáng tiếc đến từ 2 phía. Tuy nhiên, ở trường hợp này, theo chủ quán, nữ nhân viên của mình đã hành xử sai.
“Chị N. làm việc tại quán của tôi 3-4 năm nay. Từ trước tới giờ, quán chưa xảy ra vụ việc tương tự. Theo đánh giá cá nhân, tôi biết tính cách của chị có phần thiếu ôn hòa và đôi lúc hơi nóng tính.
Tôi không cổ xúy nhân viên hành xử sai bởi làm nghề dịch vụ phải luôn lắng nghe và biết chiều khách. Đôi lúc gặp khách khó tính, thậm chí người bán phải biết nhịn hoặc cười trừ để bỏ qua. Tuy nhiên, tôi cũng mong dư luận nên có sự lắng nghe từ hai phía”, chủ quán nói.
Theo chị Cúc, sau khi xảy ra cãi vã tại quán, vị khách đứng lên đi luôn mà không trả tiền nên nữ nhân viên N. liền đuổi theo. Tiếp đó, cả hai có va chạm cá nhân ở bên ngoài khu vực của quán nên chị không nắm bắt được. Hiện chị quyết định cho nữ nhân viên nghỉ việc.
“Tôi cũng trao đổi lại với các nhân viên, đây là bài học lớn để rút kinh nghiệm. Qua đó, mỗi người sẽ tự nhìn nhận để tránh xảy ra vụ việc đáng tiếc tương tự”, chủ quán chia sẻ.
Được biết, quán cháo sườn sụn kinh doanh từ năm 2017, mở cửa cả ngày từ 7h tới 22h. Quán đông nhất khung giờ trưa từ 11h tới 13h, phục vụ món cháo sườn kèm ruốc thịt lợn, ruốc nấm với giá từ 40.000 đồng/bát.
Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc trên. Bên cạnh bình luật bênh vực cô gái, cũng có người cho rằng hàng quán với những tiếng chửi đã thành một phần “văn hóa” của Hà nội. Về vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam từng đăng tải bài viết: “‘Bún mắng, cháo chửi’ tồn tại nhờ… khách hàng tốt nhịn!” . Nội dung như sau:
Không biết từ bao giờ, trong văn hoá ẩm thực đường phố Hà Nội, các hàng quán bún mắng, cháo chửi với phong cách phục vụ chửi khách như hát hay lại được coi là một nét đặc sắc.
Phải chăng chính thái độ dễ dãi thậm chí là sẵn sàng chịu nhục của các “thượng đế” để được thưởng thức bát bún, bát phở ngon đã và đang tiếp tay cho những hành vi phi văn hóa này lên ngôi?
Từ cá biệt, khó chấp nhận trở thành nét đặc sắc
Cách đây mấy năm, khi kênh truyền hình CNN phát phóng sự về quán bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên – Hà Nội và người dẫn chương trình Anthony Bourdain khi đó gọi đây là “món ăn đặc sắc của Việt Nam”. Trong phóng sự người dẫn chương trình coi các câu quát, chửi khách và cách ăn nói của bà chủ quán là: “Đây là cách giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà” và coi đó như một nét độc đáo, đặc sắc của món ăn Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Khỏi nói cũng có thể hình dung khi chương trình được phát sóng đã nổ ra các luồng quan điểm xung đột với nhau như thế nào. Một bên thì tự hào vì quán bún chửi của Việt Nam được lên hẳn kênh tin tức thế giới CNN và được coi là “nét đặc sắc” của Hà Nội. Còn một bên bày tỏ sự lo lắng khi sự vô văn hóa mang tiếng xấu cho cả nền ẩm thực đường phố Việt Nam lại được ngợi ca.
Và hệ quả của sự tranh cãi này là hàng bún chửi Ngô Sĩ Liên nói riêng và các hàng quán bún mắng, cháo chửi đã từng được gọi là cá biệt, khó chấp nhận ở Hà Nội như quán bún ngan Nhàn tại ngõ Trung Yên; quán cháo quát nằm ở phố Lý Quốc Sư; quán nem rán ở ngõ Tạm Thương;… lại bỗng dưng trở thành nét đặc sắc của ẩm thực đường phố Việt Nam không chỉ ở trong con mắt của người Việt mà còn cả thế giới. Nhiều người đã phải lắc đầu vì sự “nổi tiếng” bất đắc dĩ này.
Lỗi tại thực khách?
Nhằm duy trì và củng cố nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, quy tắc về thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng, trong đó có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nhưng có vẻ như những động thái này của chính quyền Hà Nội không tác động mấy đến các quan bún mắng cháo chửi trên đất Thủ đô. Còn nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông, bà Thảo chủ quan bún chửi ở phố Ngô Sĩ Liên đã thẳng thừng trả lời đại ý tính cách bà cục cằn như thế từ xưa đến nay quen rồi và khó sửa, vì thế thực khách đến quán bà chấp nhận được hay không mà thôi.
Quả đúng là như vậy, nhìn lại các quán bún mắng, cháo chửi ở Hà Nội có thể thấy, dường như các văn bản chỉ đạo, quy tắc ứng xử nơi công cộng và sự tẩy chay, lên án của nhiều thực khách không thật sự làm thay đổi được cách ứng xử của các chủ hàng quán. Các chủ quán sau nhiều lần bị chỉ trích, dù đã hứa sẽ kìm chế nhưng trên thực tế “nét đặc sắc” này vẫn vậy. Các chủ quán vẫn cứ chửi, các “thượng đế” vẫn vừa nghe vừa ăn, “thượng đế” nào không nghe được thì xin mời đi nơi khác.
Điều lạ lùng ở đây chính là có rất nhiều người biết phong cách phục vụ bất lịch sự như vậy, nhưng vẫn sẵn sàng bỏ qua sự tự trọng cá nhân của mình, trả tiền để thưởng thức một bát bún mắng, cháo chửi, hay một số người chưa thử bao giờ thì vì tò mò thử, một phần để thưởng thức món ăn, một phần để nghe xem tiếng mắng chửi như thế nào, có đúng như thiên hạ đồn thổi hay không…
Và đây có lẽ chính lí do khiến cho các hàng quán bún mắng, cháo chửi vẫn tồn tại và còn rất đông khách. Nhưng nguy hại ở chỗ cũng chính điều đó đã và đang làm lụi tàn và đánh đồng sự vô văn hóa sang cả các hàng quán văn minh, lịch sự, khiến cho các du khách cả trong và ngoài nước đều nghĩ văn hoá ẩm thực đường phố Hà Nội luôn gắn liền với chửi bới, mắng nhiếc, không tôn trọng khách. Việc vẫn còn rất đông các thực khách đến thưởng thức như vậy không khác gì đang cổ xuý cho phong cách phục vụ thiếu văn minh, lịch sự, lệch lạc về văn hoá.
Văn hoá ẩm thực đường phố Hà Nội luôn là một trong những niềm tự hào, điểm sáng của du lịch Việt Nam. Muốn văn hoá ẩm thực đường phố Việt Nam nói chung và ẩm thực đường phố Hà Nội nói riêng có được tiếng nói của mình trong việc thu hút khách du lịch đến với Việt Nam thì hơn ai hết chính khách hàng là những nhân tố chính yếu để bài trừ sự vô văn hóa của “bún mắng, cháo chửi” khỏi văn hoá ẩm thực đường phố Thủ đô.