Sau khi vô tình nuốt đầu nắp bút, bé gái ho, khó thở, đau ngực, bị tổn thương não không hồi phục dẫn đến tử vong sau 4 ngày điều trị.
Báo VTC News ngày 24/12/2024 đưa thông tin với tiêu đề: “Bé 7 tuổi tử vong do nuốt đầu nắp bút” cùng nội dung như sau:
Trong giờ học, bé gái 7 tuổi ở Bắc Kạn ngậm đầu nắp bút và vô tình nuốt vào đường thở. Trẻ ho, khó thở và đau ngực, được giáo viên đưa đến phòng y tế của trường học sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển đến trung tâm y tế địa phương.
Trên đường đi, trẻ ngừng thở, ngừng tim, phải cấp cứu hồi sinh tim phổi liên tục trên đường chuyển đến bệnh viện. Tại bệnh viện tỉnh, trẻ tiếp tục được cấp cứu ngừng tuần hoàn, nhưng do tổn thương não, xuất hiện nhiều cơn co giật liên tục, phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hình ảnh dị vật đầu bút được gắp ra từ đường thở của bệnh nhi. (Ảnh: BVCC)
Theo BSCKII. Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ vào viện trong tình trạng nguy kịch, được bóp bóng qua nội khí quản, duy trì thuốc trợ tim để đảm bảo nhịp tim và huyết áp, hôn mê sâu, co giật.
Bệnh nhi được các bác sĩ điều trị bằng các biện pháp thở máy, duy trì vận mạch, điều trị chống phù não, an thần tại các đơn vị cấp cứu và điều trị tích cực. Cùng với đó, trẻ được nội soi cấp cứu tại giường gắp dị vật đường thở.
Xem ảnh X-quang của nam bệnh nhân, bác sĩ sốc khi phát hiện dị vật ở chỗ không ngờ
Dị vật được gắp ra là đầu bút bi màu đen, kích thước khoảng 0,5 x 0,8 cm, che lấp 70% phế quản gốc phải. Niêm mạc đường thở hai bên của trẻ phù nề, trong lòng phế quản nhiều dịch nhầy.
Dù đã được các bác sĩ điều trị tích cực, nhưng do thời gian ngừng tim, ngừng thở quá lâu, tổn thương não không hồi phục, bệnh nhi tử vong sau 4 ngày.
Phòng tránh tai nạn hóc dị vật cho trẻ
– Người lớn cần thường xuyên để mắt tới trẻ nhỏ, khi trông giữ trẻ người lớn không nên chủ quan, phải giám sát chặt chẽ.
– Cha mẹ cần để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ, tròn, trơn hoặc đầu nhọn như: đinh, ốc vít, bút, đồng xu, pin, kim, tăm.
– Phụ huynh hướng dẫn trẻ không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm, mút.
– Cha mẹ không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc và không nên nô đùa trong khi ăn, đặc biệt khi trẻ có thức ăn trong miệng.
– Cha mẹ không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, hướng dương, chôm chôm, tập cho trẻ kỹ năng nhai kỹ, nuốt chậm.
Tiếp đến, báo Lao Động ngày 24/12/2024 cũng có bài đăng với thông tin: “Bé trai 7 tuổi tử vong do hóc đầu bút bi”. Nội dung được báo đưa như sau:
Hình ảnh dị vật đầu bút bi được gắp ra từ đường thở của bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Sau khi vô tình bị nuốt đầu bút vào đường thở, trẻ có biểu hiện ho, khó thở và đau ngực. Ngay lập tức, trẻ được giáo viên đưa đến phòng y tế của trường học để sơ cứu ban đầu, sau đó chuyển đến trung tâm y tế địa phương. Trên đường đi, trẻ xuất hiện ngừng thở, ngừng tim, phải cấp cứu hồi sinh tim phổi liên tục trên đường chuyển đến Bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, trẻ tiếp tục được cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tuy nhiên do tổn thương não vì tình trạng thiếu oxy, trẻ xuất hiện nhiều cơn co giật liên tục, nên các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Trẻ vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch. Trẻ được bóp bóng qua nội khí quản, đang được duy trì thuốc trợ tim liên tục để đảm bảo nhịp tim và huyết áp, hôn mê sâu, co giật liên tục”.
Bệnh nhi được các bác sĩ điều trị tích cực bằng các biện pháp thở máy, bồi phụ khối lượng tuần hoàn, duy trì vận mạch, điều trị chống phù não, an thần tại các đơn vị cấp cứu và điều trị tích cực. Cùng với đó, trẻ đã được nội soi cấp cứu tại giường gắp dị vật đường thở.
“Dị vật được gắp ra là đầu bút bi màu đen, có kích thước khoảng 0,5 x 0,8 cm, che lấp 70% phế quản gốc phải. Niêm mạc đường thở hai bên của trẻ phù nề, trong lòng phế quản nhiều dịch nhầy”, ThS.BS Vũ Tùng Lâm – khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi Trung ương) chia sẻ.
Dù đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị tích cực, nhưng do thời gian ngừng tim, ngừng thở quá lâu, tổn thương não không hồi phục, bệnh nhi đã tử vong sau 4 ngày điều trị.
Cũng tại thời điểm này, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 2 bé gái hóc hạt lạc may mắn được sơ cấp cứu đúng cách và kịp thời.
Hai trường hợp điển hình trẻ hóc dị vật trong độ tuổi nhỏ (1-3 tuổi) là bé gái T.L, 23 tháng tuổi, ở Thái Nguyên hóc hạt lạc dẫn đến ho sặc sụa, tím tái và bé P.A, 15 tháng tuổi, ở Ninh Bình hóc hạt lạc vào phế quản gốc phải do vừa ăn vừa khóc.
May mắn rằng cả hai bé đều được mẹ kịp thời sơ cứu bằng cách vỗ lưng, giúp một phần hạt lạc rơi ra ngoài và nhanh chóng được đưa đến bệnh viện gần nhất để sơ cứu. Sau đó, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại khoa Cấp cứu và Chống độc, trẻ được tiếp nhận, đánh giá các dấu hiệu sinh tồn, theo dõi chặt chẽ và được hội chẩn với các chuyên gia của Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sau khi hội chẩn thống nhất phương án điều trị, bệnh nhi được các bác sĩ khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp cùng các bác sĩ gây mê tiến hành nội soi phế quản và loại bỏ hoàn toàn dị vật còn sót lại trong đường thở. Hiện sức khỏe của T.L hồi phục tốt và được ra viện.
Hóc dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm ở trẻ em, nếu không xử trí đúng cách có thể gây ra những di chứng rất nặng nề, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Sơ cứu đúng cách có thể giúp trẻ thoát khỏi nguy kịch khi hóc dị vật:
1. Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, ho có hiệu quả, không ảnh hưởng đến các chức năng sống: Hãy khuyến khích trẻ ho, tiếp tục theo dõi, đánh giá và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cấp cứu.
2. Nếu trẻ tím tái, không khóc hoặc khóc yếu, ho không hiệu quả. Nhanh chóng gọi cấp cứu và thực hiện các thủ thuật sơ cứu sau:
Nếu trẻ còn tỉnh:
Đối với trẻ nhỏ:
Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp, dọc theo cánh tay một bên, bàn tay đỡ vùng ngực xương hàm dưới của trẻ.
Dùng gót bàn tay còn lại vỗ 5 cái vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai theo hướng xuống dưới và ra phía trước.
Nếu vẫn chưa bật được dị vật ra tiến hành lật ngửa trẻ vẫn để dọc cánh tay, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái (tần suất 1 lần/ 1 giây).
Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.