“Tôi ước gì có thể bảo vệ con gái, nói với con bé rằng sức khoẻ và hạnh phúc quan trọng hơn bất kì điều gì khác trên đời” – mẹ của cô gái 26 tuổi viết trong tâm thư gửi tập đoàn cô vừa làm.
Những tập đoàn Big 4 luôn là giấc mơ của rất nhiều bạn trẻ. Nhưng không có giấc mơ nào là dễ dàng, khi có những nơi nổi tiếng với “hustle culture” – văn hoá hối hả khiến nhiều bạn trẻ phải kiệt sức chạy theo cuộc đua không hồi kết, thậm chí dẫn đến cái kết đau lòng “làm việc đến chết”.
Điển hình như bi kịch mới đây của cô gái Anna Sebastian Perayil (26 tuổi, Ấn Độ) đã qua đời vì làm việc kiệt sức tại Ernst & Young (viết tắt: EY) – một trong 4 tập đoàn Big 4 về kiểm toán hàng đầu thế giới. Cô qua đời chỉ sau 4 tháng được nhận vào làm ở công ty này.
Những mặt tối đằng sau cái chết đau thương đã được bà Anita Augustine (mẹ của Anna) viết trong tâm thư dài 3 trang A4 gửi đến Chủ tịch tập đoàn EY.
Anna Sebastian Perayil – cô gái vừa qua đời sau 4 tháng làm việc tại tập đoàn Big 4.
Cô gái 26 tuổi qua đời sau 4 tháng làm việc ở Big 4
Trong tâm thư gửi Chủ tịch của công ty, bà Augustine cho biết vô cùng đau lòng và tâm hồn tan vỡ khi biết tin con gái qua đời. Nhưng bà cũng muốn viết bức thư này để không còn gia đình nào phải chịu đựng nỗi mất mát này nữa.
Bà Augustine cho biết con gái đã vượt qua kì thi kế toán viên công chứng (CA) vào tháng 11/2023. Sau đó, Anna vào công ty EY vào tháng 3/2024.
“Con gái tôi luôn tràn đầy sức sống, có những ước mơ và sự chờ mong cho tương lai. EY là công ty đầu tiên con bé vào làm, và Anna rất vui khi được làm việc ở tập đoàn danh tiếng hàng đầu thế giới. Nhưng chỉ 4 tháng sau, vào ngày 20/7, thế giới của tôi đã sụp đổ khi nhận được tin Anna đã qua đời. Con gái tôi mới 26 tuổi thôi!” , bà Augustine mở đầu tâm thư.
Bà Augustine cho biết con gái luôn là “chiến binh” xuất sắc trong học tập, luôn đứng đầu thành tích ở trường, xuất sắc trong hoạt động ngoại khoá, và đỗ kì thi CA với số điểm xuất sắc.
4 tháng trước, cô gái còn hào hứng chia sẻ về công việc mới.
Khi vừa vào tập đoàn EY, Anna biết trong nhóm của cô đã có nhiều nhân viên từ chức trước đó vì khối lượng công việc quá khủng khiếp. Thế nhưng, sếp đã mong Anna ở lại để thay đổi quan điểm này.
“Con bé đã làm việc không biết mệt mỏi tại EY, cống hiến hết mình đáp ứng những yêu cầu được giao. Thế nhưng khối lượng công việc, môi trường cũng như thời gian làm việc đã vắt kiệt con bé. Con tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng, mất ngủ và căng thẳng sau khi vào công ty. Nhưng con bé vẫn tiếp tục tự động viên bản thân, tin rằng cứ làm việc chăm chỉ và kiên trì thì kiểu gì cũng thành công”, bà Augustine nhớ lại.
Ngày 6/7, vợ chồng bà Augustine đến thăm Anna trong bệnh viện sau khi cô gái bị cơn đau thắt ngực. Cả nhà đã đưa cô gái đi khám, siêu âm tim. Thế nhưng bác sĩ cho biết chế độ sinh hoạt hiện tại của Anna không ổn khi cô thường xuyên ăn đêm và không ngủ đủ giấc.
“Mặc dù chúng tôi đã đến thăm con sau chặng đường dài, nhưng Anna vẫn nhất quyết đi làm sau khi bác sĩ khám xong. Con bé nói rằng còn rất nhiều việc phải làm và không xin nghỉ phép. Ngay trong đêm đó, con bé trở về công ty vào lúc rất muộn. Vào chủ nhật, dù buổi sáng vừa tham gia lễ tốt nghiệp, thế nhưng con tôi vẫn tiếp tục làm việc tại nhà đến tận chiều hôm đó”, bà Augustine đau xót tâm sự.
Bà Augustine chia sẻ ước mơ của Anna là chi trả tiền vé máy bay để đưa bố mẹ tham dự lễ tốt nghiệp của mình. “Tôi vô cùng đau lòng khi trong 2 ngày tốt nghiệp đó, con bé còn không được tận hưởng thời gian bên cha mẹ vì áp lực công việc”.
Anna đã thực hiện được ước mơ mua 2 vé máy bay mời bố mẹ đến dự lễ tốt nghiệp. Thế nhưng, cô còn không được tận hưởng trọn vẹn ngày lễ đó.
Văn hoá làm việc độc hại đẩy nhân viên đến gần cái chết
Trong bức thư, bà Augustine tiết lộ văn hoá làm việc độc hại tại EY, đang vô tình đẩy con gái mình đến gần cái chết.
Bà Augustine cho biết Anna được giao những đầu việc ngoài công việc chính thức. Mặc dù bà Augustine yêu cầu con gái không nhận, nhưng quản lý tại công ty vẫn không ngừng giao thêm.
“Con gái tôi làm việc đến tận đêm khuya, thậm chí cả cuối tuần, không có thời gian để thở. Quản lý từng gọi cho con bé vào ban đêm, giao 1 nhiệm vụ cần phải hoàn thành vào sáng hôm sau, khiến con hầu như không có thời gian nghỉ ngơi hay hồi phục sức khoẻ. Khi con bé nói về vấn đề đó, đã phải nhận câu trả lời: “Bạn có thể làm việc vào ban đêm. Đó là văn hoá tất cả chúng tôi đều đang làm” , bà Augustine cho biết.
Bà Augustine tuyệt vọng nhớ lại những gì Anna đã trải qua.
“Anna sẽ về nhà trong tình trạng kiệt sức, đôi khi còn gục ngã luôn trên giường mà không kịp thay quần áo, liên tục bị tấn công bởi những tin nhắn yêu cầu báo cáo thêm. Con bé đã nỗ lực hết sức, làm việc rất chăm chỉ để đáp ứng những yêu cầu.
Con bé là một chiến binh thực thụ, chứ không phải người dễ dàng bỏ cuộc. Chúng tôi đã khuyên con bé nghỉ việc, nhưng Anna luôn muốn học hỏi và tiếp thu những kiến thức mới. Thế nhưng những áp lực đã trở nên quá sức với con bé”.
Anna thường làm việc đến kiệt sức, không có thời gian nghỉ ngơi.
Người mẹ đau khổ tâm sự Anna mới bắt đầu đi làm, nên không có kinh nghiệm cũng như khả năng để vạch ra ranh giới, hoặc phản kháng lại những yêu cầu vô lý. Trong sự vùng vẫy đó, Anna đã tự đẩy mình đến gần cái chết.
“Tôi ước gì có thể bảo vệ con gái, nói với con bé rằng sức khoẻ và hạnh phúc quan trọng hơn bất kì điều gì khác trên đời. Nhưng đã quá muộn với Anna của chúng tôi” , bà Augustine viết.
Bà Augustine gọi những gì xảy ra với Anna là vấn đề mang tính hệ thống. Bà kêu gọi ông Rajiv Memani (chủ tịch tập đoàn EY ở Ấn Độ) phải xem xét văn hoá làm việc tại nơi đây.
“Anna sẽ không bao giờ đổ lỗi cho sếp của mình. Con bé tử tế đến thế đó. Nhưng tôi là mẹ, tôi không thể im lặng được. Việc bắt nhân viên mới làm việc quá sức, bất kể ngày đêm, thậm chí là chủ nhật. Không có lý do chính đáng nào có thể biện hộ cả. Công ty nên dành sự quan tâm đến nhân viên mới” , bà Augustine viết.
Bà Augustine cho biết thêm: “Những gì trải qua với Anna đã chứng minh kiểu văn hoá làm việc quá sức, bỏ bê bản thân đóng vai trò rất lớn trong cái chết của con bé. Đó không chỉ là câu chuyện riêng của con gái tôi, mà là những người trẻ bước chân vào tập đoàn EY với biết bao hi vọng và ước mơ, chỉ để rồi bị đè bẹp dưới sức nặng của những kì vọng không thực tế…
Sự ra đi của Anna là lời cảnh tỉnh cho EY. Đã đến lúc phải suy ngẫm về văn hoá làm việc trong tổ chức, thực hiện các bước để ưu tiên sức khoẻ và sự hạnh phúc của nhân viên”.
Anna lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ, nhưng lại chết đi trong sự kiệt sức khi cô mới 26 tuổi.
Sự thật đau lòng: Không một ai trong tập đoàn EY đi viếng đám tang của Anna
Bà Augustine khẳng định cần tạo ra môi trường làm việc mà ở đó, nhân viên cảm thấy an toàn khi lên tiếng, được hỗ trợ để quản lý khối lượng công việc của mình. Và đó là nơi “sức khoẻ thể chất và tinh thần của những người trẻ không bị hi sinh vì năng suất làm việc”.
Bà Augustine còn kể thêm sự thật đau lòng: Không một ai trong tập đoàn EY đến viếng đám tang của con gái bà!
Bà Augustine nhận xét đây là hành động vô cùng thiếu đồng cảm với nỗi mất mát lớn của gia đình nhân viên. Sau đám tang, bà Augustine đã liên lạc với quản lý công ty, nhưng không nhận được bất kì phản hồi nào.
Không một ai trong tập đoàn EY viếng đám tang của Anna.
“Tôi không biết liệu có ai thực sự hiểu được cảm xúc tuyệt vọng của một người mẹ, khi người mẹ phải đặt đứa con xuống nơi an nghỉ cuối cùng. Đứa con mà tôi đã từng bế trên tay, theo dõi con bé lớn lên và chơi đùa, chứng kiến những giấc mơ của con bé. Trừ khi họ trải qua điều tương tự thì họ mới hiểu được!
Tôi hi vọng sự ra đi của Anna sẽ tạo nên những thay đổi thực sự, để không có gia đình nào phải chịu đựng nỗi đau và mất mát mà gia đình tôi đã trải qua. Anna đã không còn ở bên chúng tôi nữa, nhưng câu chuyện của con bé vẫn có thể tạo nên những thay đổi tích cực” , bà kết thúc tâm thư.
Lời phản hồi chính thức nhận nhiều chỉ trích của tập đoàn EY
Trong lời tuyên bố chính thức, tập đoàn EY ở Ấn Độ gọi sự ra đi của Anna là một mát không thể bù đắp.
“Sự nghiệp đầy trông đợi của Anna đã kết thúc theo cách bi thảm, là một mất mát không thể bù đắp được với tất cả chúng tôi. Mặc dù không có biện pháp nào bù đắp cho sự mất mát to lớn của gia đình, nhưng chúng tôi đã cung cấp mọi sự hỗ trợ mà công ty vẫn đang làm trong thời điểm khó khăn này. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy trong tương lai”.
Công ty cũng cho biết đang xem xét tâm thư của người mẹ với sự nghiêm túc và cầu thị tối đa nhất. “Chúng tôi coi trọng sức khoẻ của tất cả nhân viên và sẽ tìm mọi cách cải thiện, tạo nên môi trường làm việc lành mạnh cho hơn 100.000 nhân viên của chúng tôi trên khắp các công ty thành viên của EY tại Ấn Độ” , tập đoàn thông báo.
Tập đoàn EY ở Ấn Độ đang chịu chỉ trích lớn sau sự ra đi của Anna.
Trong khi đó, ông Rajiv Memani khẳng định áp lực làm việc ở EY không cướp đi mạng sống của Anna: “Chúng tôi có khoảng 100.000 nhân viên. Không còn gì phải nghi ngờ, mỗi người đều làm việc chăm chỉ. Anna chỉ làm việc với chúng tôi trong 4 tháng và cô ấy được phân công như bất kì nhân sự nào trong công ty”.
Sự ra đi của Anna đã kéo theo làn sóng phẫn nộ về văn hoá làm việc tại EY. Nhiều nhân viên từng làm ở tập đoàn cũng đã lên tiếng chỉ trích, đồng thời kể những trải nghiệm kinh hoàng của họ khi làm việc tại đây.