Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (220 triệu USD) đang được vận hành thử nghiệm. Tuy nhiên, nhiều vị trí đã xuất hiện vết nứt vỡ, bong tróc.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có tổng vốn đầu tư khoảng 4.815,8 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD Mỹ. Nguồn tài chính cho dự án từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 150 triệu USD và nguồn đối ứng của tỉnh khoảng 70 triệu USD.
Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Phạm vi dự án được thực hiện trải dài dọc theo sông Phan trên địa bàn 7 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm: Vĩnh Yên, Phúc Yên và các huyện: Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên.
Trạm bơm tiêu Nguyệt Đức – Yên Phương thuộc Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc.
Năm 2018, dự án được khởi công với kỳ vọng sẽ sớm hoàn thiện nhằm kiểm soát tình trạng ngập úng, quản lý tốt nguồn nước, ổn định sản xuất và đời sống sinh hoạt người dân. Thế nhưng, dù mới trong quá trình vận hành thử nghiệm, đã có rất nhiều vị trí của tuyến kênh này bị hư hỏng gây ảnh hưởng tới đời sống cũng như việc di chuyển của người dân.
Có mặt tại hiện trường, PV Báo Giao thông ghi nhận nhiều vị trí thuộc dự án có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng… ảnh hưởng đến chất lượng của “siêu dự án”. Tình trạng xuống cấp xuất hiện tại các trạm bơm Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc), Kim Xá (huyện Tam Dương) và một số vị trí khác.
Tình trạng sạt lở, vỡ mảng, nứt gãy với vết dài, rõ rệt tại các khu vực cầu kênh và trạm bơm. Hơn thế nữa, một đoạn bờ kênh và lan can tại vị trí gần hồ chứa trạm bơm Nguyệt Đức bị đứt gãy rơi xuống tạo thành vực sâu, đang phải căng dây cảnh báo khiến người dân đi lại rất nguy hiểm.
Một đoạn bờ kênh và lan can tại vị trí gần hồ chứa trạm bơm Nguyệt Đức bị sạt.
Ông Trần Văn T (SN 1968, trú tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Tôi cũng không rõ công trình được thiết kế như thế nào thế nhưng hiện các vị trí lan can đã bị sạt khiến chúng tôi di chuyển rất nguy hiểm. Do không có hệ thống chiếu sáng, nếu ai không quen đường đi vào buổi tối rất dễ bị lao xuống lòng kênh, hồ. Gần đây có một vụ trẻ em ra hồ tắm và chết đuối”.
Việc sạt lở gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lộc Tuấn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Đây là dự án của tỉnh, đơn vị cấp xã chỉ nhận bàn giao mặt bằng. Sạt lở xảy ra trong quá trình vận hành thử nghiệm dự án. Trong đợt mưa vừa qua, khi nước trong lòng hồ đầy, trạm bơm đã hút nước ra sông Hồng.
Tuy nhiên, trong quá trình hút xảy ra tình trạng sạt sụt tại nhiều vị trí. Ngay sau khi nắm bắt tình hình, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị, đề xuất với chủ đầu tư về việc khắc phục, sửa chữa”.
Để tìm hiểu thêm nguyên nhân và phương hướng khắc phục, PV Báo Giao thông đã liên hệ tới Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc, tuy nhiên không nhận được hồi âm.