Chính sách mới: Tăng trợ cấp hằng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ

Từ tháng 11, nhiều chính sách có hiệu lực trong đó có tăng trợ cấp hằng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ.

Thông tư 53/2024 của Bộ Quốc phòng về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ có hiệu lực từ ngày 1/11.

Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 7/2024 = Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2024 x 1,150

Thời gianMức trợ cấp (triệu đồng/tháng)Từ đủ 15 năm – dưới 16 năm2,628Từ đủ 16 năm – dưới 17 năm2,746Từ đủ 17 năm – dưới 18 năm2,868Từ đủ 18 năm – dưới 19 năm2,988Từ đủ 19 năm – dưới 20 năm3,105

Đối tượng áp dụng:

Quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008 ngày 27/10/2008 của Thủ tướng về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011 ngày 9/11/2011 của Thủ tướng về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình

Thông tư 46 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, có hiệu lực từ 15/11.

Thông tư 46 đã bỏ quy định người dân được thực hiện giám sát hoạt động của lực lượng CSGT thông qua việc ghi âm, ghi hình (có điều kiện).

lang ma csgt 6 87.jpgẢnh minh họa: Đình Hiếu

Người dân được giám sát thông qua 5 hình thức: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cục CSGT cho biết, việc giám sát của một số người dân có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định. Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh CSGT làm việc và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật…

Thông tư 46 cũng bãi bỏ một số quy định về công khai thông tin trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của Công an.

Theo Cục CSGT, hoạt động của lực lượng CSGT ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Vì vậy, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng.

Phạt luật sư nếu xúc phạm người tiến hành tố tụng

Nghị định 117/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; có hiệu lực từ 15/11.

Về hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư, so với Nghị định 82/2020, nghị định mới bổ sung quy định phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Như vậy, luật sư trong quá trình hành nghề nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký tòa án… sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng.

Không chứng thực đủ chữ ký trong văn bản bị phạt đến 5 triệu đồng

Cũng tại Nghị định 117/2024 quy định nếu không chứng thực đầy đủ chữ ký của tất cả những người đã ký trong văn bản yêu cầu chứng thực chữ ký sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Đồng thời, đây cũng là mức phạt cộng tác viên dịch thuật không đăng ký lại chữ ký mẫu khi có thay đổi.

Với hành vi vi phạm về chứng thực hợp đồng, giao dịch, khoản 32 Điều 1 Nghị định 117 sửa đổi biện pháp khắc phục hậu quả là phải nộp lại bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu tang vật.

Trong khi đó, Nghị định 82/2020 chỉ quy định kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.