Đeo tai nghe khi đi xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?

Khi cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn và hối hả, việc sử dụng tai nghe để nghe nhạc hay nhận cuộc gọi khi đang đi xe máy trở thành thói quen của không ít người.

Báo VTC ngày 16/1 đăng bài: “Đeo tai nghe khi đi xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?”, nội dung cụ thể như sau:

Khi cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn và hối hả, việc sử dụng tai nghe để nghe nhạc hay nhận cuộc gọi khi đang đi xe máy trở thành thói quen của không ít người. Thót tim khoảnh khắc người dân hợp sức giải cứu nam sinh bị mắc kẹt dưới bánh xe tải chở gỗ sau va chạm giao thông Cục CSGT: Sau nửa tháng áp dụng Nghị định 168, tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí Hà Nội: Hơn một tuần tăng mức xử phạt, lỗi vi phạm giao thông vẫn tái diễn hàng ngày

Tuy nhiên, thói quen nghe tai nghe khi đi xe máy không chỉ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn mà còn có thể khiến bạn bị xử phạt theo quy định pháp luật. Vậy đeo tai nghe khi đi xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 7, điểm b khoản 10 và điểm b, điểm d khoản 13 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định, đeo tai nghe khi lái xe máy (không gây tai nạn giao thông) bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng và trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm.

Đeo tai nghe khi lái xe máy mà gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng và trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.

Ngoài việc bị phạt tiền, theo quy định mới, hành vi sử dụng tai nghe khi đi xe máy còn bị trừ điểm giấy phép lái xe. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài việc bị xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe thì có nhiều lý do để người tham gia giao thông nên bỏ thói quen sử dụng tai nghe khi điều khiển xe máy:

– Giảm khả năng tập trung: Âm nhạc hoặc âm thanh từ tai nghe có thể khiến bạn mất tập trung vào việc điều khiển xe, không kịp phản ứng với những tình huống bất ngờ.

– Cản trở giao tiếp với môi trường xung quanh: Khi đeo tai nghe, bạn khó lòng nghe được các âm thanh từ môi trường xung quanh, như tiếng còi xe cứu thương, tiếng xe khác cảnh báo hoặc tín hiệu từ người đi đường.

– Nguy cơ tai nạn cao: Sự mất tập trung và thiếu thông tin từ môi trường có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn làm liên lụy đến những người xung quanh.

Thay vì sử dụng tai nghe khi điều khiển xe, có một số lựa chọn an toàn hơn bạn có thể cân nhắc sử dụng hệ thống âm thanh trên xe. Hiện nay, nhiều mẫu xe máy hiện nay tích hợp hệ thống âm thanh tiện lợi, giúp bạn nghe nhạc mà không cần sử dụng tai nghe. Tốt nhất nếu cần nghe cuộc gọi quan trọng, hãy tìm nơi an toàn để dừng xe trước khi sử dụng điện thoại.

Đeo tai nghe khi đi xe máy không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với bản thân và cả những người xung quanh. Hãy cân nhắc và lựa chọn những giải pháp an toàn hơn để bảo vệ chính mình cũng như cộng đồng.

Thông tin về các mức phạt khi tham gia giao thông, báo Lao động ngày 11/1 có bài: “Từ 2025, xem Google Maps khi lái xe bị phạt bao nhiêu?”. 

Theo đó, một độc giả đặt ra câu hỏi: “Cầm điện thoại điện thoại xem chỉ đường trên Google Maps khi lái xe bị phạt bao nhiêu?”

Cầm điện thoại điện thoại xem chỉ đường trên Google Maps khi lái xe. Ảnh: Khánh An

Công ty Luật TNHH Youme trả lời:

Theo Khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 thì dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm.

Như vậy, việc dùng tay cầm điện thoại xem chỉ đường trên Google Maps khi đang lái xe là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo Điểm đ Khoản 4, Điểm b Khoản 10 và Điểm b, d Khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì mức phạt lỗi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại khi lái xe máy bị phạt như sau:

– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác. Đồng thời, bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác mà gây tai nạn giao thông. Ngoài phạt tiền, còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.

Căn cứ tại Điểm h Khoản 5 và Điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, mức xử phạt đối với người điều khiển xe ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ôtô sử dụng điện thoại như sau:

– Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ. Đồng thời, bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 22 triệu đồng đối với người điều khiển xe dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ mà gây tai nạn giao thông. Ngoài phạt tiền, còn bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.