Giá vàng CÓ BIẾN

 

Giá vàng tăng dữ dội, nên đầu tư vàng miếng SJC hay nhẫn trơn?Sau một thời gian giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC, thì những phiên gần đây vàng SJC đã lấy lại vị thế vốn có. Nhưng nếu nhu cầu vàng tăng mạnh, các chuyên gia cho rằng có thể giá vàng nhẫn lại vượt vàng SJC.Vì sao giá vàng miếng SJC tăng vượt vàng nhẫn?

Thị trường vàng trong nước đang diễn ra cuộc đua giá ngoạn mục khi có thời điểm, vàng nhẫn 9999 bật tăng, vượt giá vàng miếng SJC. Nhưng sau đó, vàng SJC đã lấy lại vị thế dẫn đầu. Phiên giao dịch sáng 16/4, giá vàng miếng SJC cán mốc 111 triệu đồng/lượng – cao hơn giá vàng nhẫn.

Chia sẻ với PV VietNamNet, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho hay, cuộc chiến thương mại đang đẩy giá vàng lên rất mạnh, hướng tới mốc 3.300 USD/ounce và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù không ít lần các nhà đầu tư bán ra chốt lời.

Giá vàng trong nước cũng trong xu hướng tăng, nhưng ngoài tác động từ giá vàng thế giới còn do nguồn cung khan hiếm. Cùng với tâm lý mua trữ vàng của người Việt đã đẩy giá vàng lên cao.

Theo ông Hiếu, vàng nhẫn cũng được xem như một loại vàng trang sức, trong khi vàng miếng dành cho đầu tư. Thông thường, vàng miếng giá trị cao hơn vàng nhẫn vì tính thanh khoản, bán dễ hơn vàng nhẫn. Còn vàng nhẫn được giao dịch tự do, không bị khống chế bởi việc bình ổn giá.

Giá vàng miếng SJC tăng vượt vàng nhẫn, lấ y lại vị thế. Ảnh: Phạm Hải

Thế nhưng, tại một số thời điểm, giá vàng nhẫn “vượt mặt” vàng miếng do nguồn cung vàng miếng hạn chế, nhiều năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nhập khẩu vàng nên Công ty SJC cũng không dập vàng theo yêu cầu của NHNN.

“Giá vàng miếng hiện tăng vượt vàng nhẫn và lấy lại vị thế của nó, nhưng nếu nhu cầu vàng tăng mạnh có thể giá vàng nhẫn lại vượt vàng miếng”, ông Hiếu đánh giá.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, cho hay, vàng nhẫn 9999 – vốn sát với giá vàng quốc tế, thường được người dân chọn làm tài sản tích lũy. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng mạnh và nguồn cung vàng nguyên liệu trong nước còn hạn chế, giá vàng nhẫn được đẩy lên cao là điều dễ hiểu.

“Tuy nhiên, chính sách siết chặt quản lý thị trường vàng khiến tâm lý thị trường ngay lập tức phản ánh kỳ vọng vào sự \’tái lập trật tự giá\’. Điều đó khiến giá vàng SJC tăng mạnh, dù vẫn duy trì khoảng cách nhất định so với giá vàng thế giới”, ông Huy nói.

Phân tích thêm, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho biết, trước đây, giá vàng miếng SJC luôn cao hơn vàng nhẫn, có thời điểm cao hơn hàng chục triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng nhẫn đã tiệm cận giá thế giới trước khi có chính sách đưa vàng miếng về sát giá quốc tế. Vì vậy, khi vàng miếng được điều chỉnh theo giá thế giới, chênh lệch giữa hai loại vàng này sẽ thu hẹp, thậm chí tương đương nhau. Tùy từng thời điểm, vàng miếng có thể cao hơn hoặc thấp hơn vàng nhẫn.

“Vàng SJC giống như hàng hiệu, nên khi giá vàng miếng SJC thấp hơn vàng nhẫn quá lâu sẽ dễ kích thích nhiều người mua trở lại nên giá bật tăng.

Hiện giá vàng miếng cao hơn vàng nhẫn, nhưng cần chú ý mức chênh lệch giá của hai kim loại quý này. Nếu cao hơn vài triệu đồng đến cả chục triệu mỗi lượng sẽ là vấn đề, cần tìm nguyên nhân ở đâu”, ông Khánh lưu ý.

Nên đầu tư vàng nhẫn hay vàng SJC?

Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư vàng nào sẽ an toàn và hiệu quả tốt hơn là điều nhiều người quan tâm.

Chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia Nguyễn Quang Huy cho rằng, mỗi loại vàng có đặc điểm riêng, phù hợp với từng nhóm nhà đầu tư và kèm những rủi ro tiềm ẩn, cần hiểu rõ.

Trong đó, ưu điểm của vàng nhẫn là giá sát thị trường, phù hợp với người có vốn nhỏ, tích sản dần theo thời gian. Tuy nhiên, thanh khoản thấp, thường chỉ bán được dễ dàng tại đúng nơi đã mua. Nếu mang sang cửa hàng khác, có thể họ không mua lại hoặc ép giá thấp hơn.

Đầu tư vàng nhẫn hay vàng miếng thời điểm này cần cân nhắc kỹ. Ảnh: C.H

Cùng với đó, chất lượng vàng nhẫn không đồng đều, phụ thuộc vào uy tín của từng cơ sở, người mua phải cẩn trọng chọn nơi tin cậy.

Còn vàng miếng SJC được quản lý bởi thương hiệu uy tín, chất lượng bảo đảm, dễ dàng mua bán tại các cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, giá vàng miếng thường cao hơn vàng thế giới tới hàng triệu đồng mỗi lượng, có thể bị ảnh hưởng khi chính sách quản lý thay đổi.

Trong giai đoạn thị trường nhiều biến số, vàng vẫn là kênh phòng thủ có giá trị, nhưng không phải kênh tạo ra giá trị lâu dài. Do vậy, ông Huy khuyến nghị nhà đầu tư nên dành tối đa 10% danh mục tài chính cho vàng như một lớp “bảo hiểm tài sản”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vàng nhẫn được giao dịch tự do, không nằm trong chương trình bình ổn giá của NHNN như vàng miếng SJC. Chính vì thế, các nhà đầu tư muốn giao dịch thông thoáng hơn thì chọn vàng nhẫn.

Dù tính thanh khoản của vàng miếng SJC tốt hơn vàng nhẫn, nhưng nguồn cung lại hạn chế hơn. Vì thế, các nhà đầu tư cần tính toán các yếu tố này để đưa ra quyết định.

Còn chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận xét, hiện mua vàng nào cũng như nhau bởi chênh lệch giá không quá nhiều. Có thể mấy ngày nay giá vàng miếng cao hơn, nhưng vài ngày sau giá vàng nhẫn lại cao hơn. Lý do chính là đều bị ảnh hưởng từ giá thế giới.

Tuy nhiên, ông cho rằng, với những người ưa an toàn thì nên chọn vàng miếng SJC bởi đó là thương hiệu vàng quốc gia, có vị thế hơn, có thể bán bất kỳ tại nơi nào kinh doanh vàng. Còn vàng nhẫn thường vẫn chỉ “mua đâu bán đó”.