Giá vàng đắt chưa từng thấy, chuyên gia chỉ ra 3 chất kích thích đà tăng không cản nổi

Giá vàng trong nước và thế giới đang tăng mạnh như vũ bão. Chuyên gia dự báo tình hình sắp tới còn bất ngờ hơn.

Giá vàng vừa ghi nhận kỷ lục mới. Tính đến 10h30\’ sáng nay (17/4), giá vàng SJC đã tăng lên mốc kjyr lục mới. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 115,5 – 118 triệu đồng/ lượng, tức là tăng 2,5 triệu đồng/ lượng so với đầu giờ sáng.

Tương tự, các doanh nghiệp kinh donah vàng khác cũng điều chỉnh tăng giá vàng miếng SJC lên mốc 118 triệu đồng/ lượng. Như vậy, chỉ trong 2 ngày qua, giá vàng SJC đã tăng hơn 10 triệu đồng/ lượng.

Giá vàng nhẫn ở Việt Nam cũng ở trên đỉnh cao. Theo đó, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 115 – 118 triệu đồng/lượng, tăng hơn 2,5 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng qua. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn 114 – 117,1 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, khi vượt mốc 3.355 USD/ounce giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang.

Cụ thể, trong phiên giao dịch đang diễn ra, giá vàng thế giới giao ngay có thời điểm tăng vọt lên mức kỷ lục hơn 3.355 USD/ounce. Ngay sau đó, áp lực chốt lời khiến giá vàng lùi sâu xuống sát 3.320 USD/ounce. Nhưng hiện kim loại quý đã hồi phục và dao động quanh ngưỡng 3.340 USD/ounce.

Đâu là “chất kích thích” giá vàng tăng cao? - Ảnh 2.

Giá vàng trong nước và thế giới liên tục tăng cao trong những ngày gần đây. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, sở dĩ giá vàng liên tục lập đỉnh mới trong những ngày qua là do đồng USD yếu đi và căng thẳng Mỹ – Trung Quốc leo thang khiến nhà đầu tư tìm đến công cụ trú ẩn là vàng.

“Vàng vẫn được hỗ trợ đáng kể bởi USD mất giá, bất ổn quanh chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ cũng như nỗi lo suy thoái toàn cầu”, ông Lukman Otunuga, nhà nghiên cứu cấp cao tại FXTM nhận định.

Chia sẻ trên Reuters, vị chuyên gia này cho rằng sau khi các mốc tâm lý gần đây bị phá vỡ, nhà đầu tư có thể hướng tới mốc 3.400 USD hoặc 3.500 USD và thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, theo ông, mong muốn chốt lời hoặc khả năng thương mại Mỹ – Trung Quốc có diễn biến tích cực có thể châm ngòi cho một đợt bán tháo.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs mới đây dự báo rằng, giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm 2025 và thậm chí cán mốc 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng chốt lời hoặc tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung (nếu có) cũng có thể kích hoạt một đợt điều chỉnh.

Trên thực tế, vào ngày 15/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu điều tra về các khoáng sản cần thiết mà Mỹ nhập khẩu và có thể khiến các sản phẩm này bị áp thuế. Đây được đánh giá là sự leo thang mới nhất trong căng thẳng thương mại toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Trump cũng cho biết, một số sản phẩm từ Trung Quốc có thể phải chịu thuế lên tới 245%.

Bên cạnh đó, đồng USD liên tục giảm giá trong những phiên gần đây, khi chỉ số USD Index từng chạm đáy 3 năm vào tuần trước. Đồng USD yếu khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ngoài Mỹ, từ đó thúc đẩy lực cầu.

Mới đây, trong một sự kiện do Câu lạc bộ Kinh tế Chicago tổ chức ngày 16/4, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo rằng, thuế nhập khẩu đang đẩy nền kinh tế vào con đường tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng lên và lạm phát cao hơn. Ba việc này hiện diễn ra đồng thời và cũng là tình huống Fed chưa từng đối mặt trong khoảng 50 năm qua.

Trên thực tế, tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 700 USD/ ounce. Nguyên nhân là do căng thẳng thương mại, kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất và lực mua mạnh của các ngân hàng trng ương toàn cầu.

Ông Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa ở Saxo Bank chia sẻ: “Đà tăng mạnh có thể khiến thị trường sớm rơi vào điều chỉnh. Nhưng kịch bản hơn một năm qua cho thấy mức độ điều chỉnh sẽ không lớn”.