Nếu là một người mẹ, bạn sẽ trả lời câu hỏi này của con nhỏ như thế nào. Cách đây không lâu, khi một người mẹ chia sẻ vấn đề này lên mạng đã lập tức gây chú ý, nhất là câu hỏi của con nhỏ \’Mẹ ơi, mẹ yêu bà nội hay bà ngoại nhiều hơn\’.
Cụ thể, người mẹ này đã chia sẻ đoạn hội thoại giữa chị và con trai lên mạng xã hội. Không ngờ, trong thời gian ngắn, đoạn chia sẻ này lại nhận được lượt tương tác lớn, trong đó nhiều người dành tặng lời khen ngợi tới câu trả lời thông minh của người mẹ.
Hôm đó, sau bữa tối, chị Trương cùng con đọc truyện tranh. Câu chuyện kể về một đứa trẻ hiếu thảo với ông bà của mình. Sau khi đọc được một lúc, cậu bé ngẩng đầu lên và hỏi: “Mẹ ơi, bà ngoại và bà nội đều yêu con rất nhiều, con cũng yêu họ. Vậy mẹ yêu bà ngoại hay bà nội hơn?”.
Rõ ràng, câu hỏi của đứa trẻ rất hồn nhiên và ngây thơ, nhưng lại khiến chị Trương lúng túng. Dù mối quan hệ giữa chị và mẹ chồng khá tốt, nhưng dù sao mẹ đẻ cũng là người đã sinh thành và nuôi nấng chị. Về mặt tình cảm, chị chắc chắn thân thiết với mẹ đẻ hơn, vì còn có mối quan hệ huyết thống.
Tuy nhiên, nếu trả lời trực tiếp rằng chị yêu bà ngoại hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến cách con trai đối xử với cả hai bà, thậm chí có thể khiến trẻ hiểu sai. Điều này khiến chị Trương phải suy nghĩ rất lâu, không biết nên trả lời thật lòng hay tìm cách nói khéo léo.
Sau khi suy nghĩ, chị Trương đưa ra một câu trả lời khiến bản thân khá hài lòng: “Bà ngoại sinh ra mẹ và nuôi nấng mẹ lớn lên, nên mẹ rất yêu bà! Bà nội sinh ra bố và nuôi dưỡng bố, mà mẹ lại yêu bố, nên mẹ cũng yêu bà nội!”.
Dù câu trả lời này có vẻ hơi vòng vo, nhưng lại khiến con trai rất hài lòng. Cậu bé liền nói: “Con yêu mẹ và yêu bố, nên con cũng yêu bà ngoại và yêu bà nội!”. Điều này khiến cư dân mạng cảm thán rằng, chị Trương thực sự có EQ rất cao.
Thực tế khi con nhỏ hỏi “Mẹ yêu bà nội hay bà ngoại nhiều hơn,” đây là một câu hỏi thể hiện sự tò mò về tình cảm của mẹ dành cho hai người quan trọng trong gia đình.
Câu trả lời của người mẹ giúp con hiểu rằng tình yêu của chúng ta có thể dành cho nhiều người thân trong gia đình mà không nhất thiết cần phải so sánh để chọn ra vị trí của ai quan trọng hơn. Trẻ sẽ hiểu được rằng mỗi người trong gia đình đều quan trọng theo cách riêng của họ. Điều này cũng giúp xây dựng mối quan hệ tôn trọng và hòa thuận giữa các thế hệ trong gia đình.
Đặc biệt, từ nhận thức sâu sa này, trẻ cũng sẽ dành tình yêu thương của mình đối với cả bà nội và bà ngoại. Từ đó, sự hiểu thảo được vun đắp và xây dựng qua ngày tháng lớn lên bên gia đình. Trẻ sẽ không cần phải băn khoăn về việc mình cần chọn một ai đó có vị trí quan trọng hơn để dành tình yêu thương bởi vì, tất cả người thân trong gia đình đều nên được chúng ta dành tình yêu thương và quan tâm thường xuyên.
Ads (0:00)
Ảnh minh họa, nguồn: SD
Làm sao để nuôi dưỡng lòng hiếu thảo cho trẻ từ khi còn nhỏ
1. Làm gương cho con
Cha mẹ chính là tấm gương quan trọng nhất để trẻ noi theo. Hãy thể hiện lòng hiếu thảo của mình bằng cách chăm sóc, yêu thương và tôn trọng ông bà. Trẻ em học hỏi từ cách bạn hành xử hàng ngày. Khi bạn đối xử tốt với cha mẹ mình, trẻ sẽ nhìn thấy và từ đó hình thành ý thức yêu thương và tôn trọng người lớn tuổi.
2. Giải thích ý nghĩa của lòng hiếu thảo
Hãy dành thời gian giải thích cho con về ý nghĩa của lòng hiếu thảo, lý do vì sao cần yêu thương và tôn trọng cha mẹ, ông bà. Bạn có thể kể những câu chuyện về lòng hiếu thảo từ sách vở, lịch sử, hoặc những tấm gương thực tế trong gia đình để con hiểu rõ hơn giá trị của lòng biết ơn.
3. Khuyến khích con giúp đỡ và chăm sóc ông bà
Từ những việc nhỏ như mang nước, đấm lưng, hoặc giúp đỡ ông bà trong những công việc hằng ngày, bạn có thể giúp con hiểu được tầm quan trọng của việc quan tâm và chăm sóc người thân. Những hành động này không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo mà còn giúp con rèn luyện tính kiên nhẫn, biết quan tâm đến người khác.
4. Dạy con biết nói lời cảm ơn và xin lỗi
Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi là một phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng lòng biết ơn và tôn trọng. Khi con nhận được sự chăm sóc từ cha mẹ hay ông bà, hãy khuyến khích con nói lời cảm ơn. Đồng thời, nếu có hành động không đúng, con cũng cần biết xin lỗi và sửa sai.
5. Tạo cơ hội để con gần gũi với ông bà
Khuyến khích con dành thời gian trò chuyện, chơi đùa với ông bà. Những khoảnh khắc chia sẻ giữa con và ông bà không chỉ giúp xây dựng tình cảm gia đình mà còn giúp con hiểu hơn về vai trò của người lớn tuổi trong gia đình. Những kỷ niệm này sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng trẻ, tạo nền tảng cho lòng hiếu thảo.
6. Dạy con về lòng biết ơn đối với công lao nuôi dưỡng
Hãy dạy con về sự hy sinh và công lao của ông bà, cha mẹ trong việc nuôi dưỡng con lớn khôn. Điều này giúp con nhận thức được tình yêu thương và sự chăm sóc mà gia đình dành cho mình không phải là điều hiển nhiên, từ đó phát triển lòng biết ơn và tôn trọng.
7. Thể hiện lòng hiếu thảo qua hành động cụ thể
Khi có dịp, hãy cùng con tham gia vào những hoạt động thể hiện lòng hiếu thảo như thăm hỏi ông bà, chăm sóc ông bà khi ốm đau, tổ chức các dịp lễ kỷ niệm hoặc dành tặng những món quà nhỏ thể hiện tình cảm. Điều này giúp trẻ học được cách bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn qua hành động cụ thể.