Năm 2024, hệ thống Tòa án nhân dân đã đưa ra xét xử hàng loại đại án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Việc xét xử đảm bảo nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Xét xử 3 cựu Ủy viên Trung ương trong đại án Việt Á

Sáng ngày 3/1/2024, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á. Đây là vụ án điển hình của lợi ích nhóm và tham nhũng có hệ thống, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Trong vụ án này có 03 cựu ủy viên Trung ương Đảng là ông Nguyễn Thanh Long, Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nhận mức án 17 năm tù; ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận mức án 3 năm tù ; ông Phạm Xuân Thăng, Cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhận mức án 5 năm tù.

Các bị cáo trong vụ Việt Á

Bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á nhận mức án 29 năm tù.

Các bị cáo còn lại, bao gồm lãnh đạo các sở, ngành, CDC địa phương và nhân viên Công ty Việt Á, bị tuyên phạt từ 3 năm đến 14 năm tù.

Bản án của HĐXX công bố phản ánh đúng mức độ sai phạm của từng bị cáo và nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội.

Vụ án tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Sáng ngày 19/3/2024, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng con trai và 13 đồng phạm ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khoảng hơn 1000 bị hại có mặt tại tòa.

Ngày 27/3, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh 8 năm tù; Đỗ Hoàng Việt 36 tháng tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 7 bị cáo khác cũng bị tuyên phạt những mức án tù tương xứng nhưng đều được hưởng án treo; 6 bị cáo còn lại lần lượt bị tuyên phạt từ 24 tháng tù đến 30 tháng tù, theo đúng tội danh truy tố.

Ngày 25/9/2024, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm để xem xét kháng cáo của Đỗ Anh Dũng, sau đó Hội đồng xét xử phúc thẩm đã quyết định giảm án từ 8 năm xuống 7 năm tù.

Vạn Thịnh Phát – đại án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay

Sáng ngày 5/3/2024, TAND TP HCM tổ chức xét xử vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

Bị cáo Trương Mỹ Lan (hàng đầu tiên ngồi thứ 2 từ trái sang).

Các đồng phạm trong vụ án cũng bị tuyên các mức án nghiêm khắc. Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, bị tuyên án chung thân về tội tham ô tài sản và 19 năm tù về vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, tổng hợp hình phạt là chung thân. Võ Tấn Hoàng Văn nhận mức án chung thân, Tạ Chiêu Trung, cựu thành viên HĐQT SCB, lĩnh 18 năm tù.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận hối lộ 5,2 triệu USD và lĩnh mức án tù chung thân.

Tại bản án phúc thẩm tuyên ngày 3/12/2024, TAND cấp cao tại TP.HCM vẫn y án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, HĐXX lưu ý, theo quy định người bị kết án tử hình sau khi bản án có hiệu lực nếu tích cực khắc phục 3/4 hậu quả vụ án thì sẽ được xem xét chuyển từ tử hình sang chung thân.

Loạt quan chức bị xét xử trong vụ Công ty AIC và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Năm 2024, Tòa án nhiều đưa phương tiếp tục đưa ra xét xử vụ án liên quan tới Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC và các cá nhân đơn vị liên quan.

Hàng loạt lãnh đạo các tỉnh Bắc Ninh; Đồng Nai; Quảng Ninh; Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM; Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM… đã phải nhận án tù trong vụ án này.

Các bản án đã tuyên tổng hợp hình phạt buộc cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) phải chấp hành hình phạt chung của các bản án là 30 năm tù. CQĐT đã lần lượt ra các quyết định truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế, truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Xét xử ông Trịnh Văn Quyết FLC

Chiều 5/8/2024, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên án đối với ông Trịnh Văn Quyết và 50 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán… xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Phiên xét xử sơ thẩm vụ án FLC.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên mức án 21 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 3 năm tù tội “Thao túng thị trường chứng khoán. Ông Quyết được xác định là chủ mưu với thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi, lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi đặc biệt lớn.

Xét xử cựu Bí thư tỉnh ủy Bến Tre trong vụ Xuyên Việt Oil

Ngày 29/11/2024, TAND TPHCM đã tuyên án sơ thẩm đối với 15 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các cơ quan liên quan.

Ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) nhận 28 năm tù về hai tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Bà Mai Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) lĩnh 30 năm tù; Tòa buộc bị cáo Hạnh buộc nộp lại hơn 1.400 tỷ đồng; ông Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) nhận 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Các bị cáo khác là cựu Vụ trưởng, Cục trưởng… cũng phải nhận mức án từ 2 năm đến 7 năm tù về tội Nhận hối lộ và Đưa hối lộ.

Đại án Đăng kiểm với 254 bị cáo

Chiều 23/8/2024, TAND TP HCM tuyên án đối với 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Các bị cáo là lãnh đạo Cục đăng kiểm, chịu trách nhiệm chính phải chịu mức án nghiêm khắc. Đối với nhóm bị cáo là Đăng kiểm viên, người làm thuê, HĐXX đã quyết định mức án phù hợp, công tâm, thấu tình đạt lý tương xứng với vai trò, vị trí của các bị cáo này.

Nhiều bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật với 68 bị cáo được hưởng án treo, còn lại 186 bị cáo nhận mức án từ 1-30 năm tù.

Xét xử ông Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng

Chiều 12/4/2024, Hội đồng xét xử đã tuyên án đối với 13 bị cáo trong vụ án mua bán hóa đơn, đưa – nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.

Cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị tuyên phạt 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Trương Xuân Đước – người đưa 35 tỉ đồng cho ông Ca để nhờ chạy án – bị tuyên phạt 9 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ của Đước) bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù. Nguyễn Đình Đương – Cựu Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, Hải Phòng – bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù giam. Bị cáo Đỗ Thanh Hoài – nguyên cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải – bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt cao nhất là 15-18 tháng tù; một số khác bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 2,5 tỉ đồng.

Vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2

Chiều ngày 27/12/2024, sau hơn 3 ngày xét xử và Nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2.

Ông Trần Tùng, nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên nhận mức án 12 năm tù về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị cáo khác nhận mức án từ 1 đến 3 năm tù.

Tiếp tục đưa ra xét xử các đại án trong năm 2025

Năm 2025, hệ thống Tòa án tiếp tục đưa ra xét xử các vụ án lớn, phức tạp, thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể như vụ án xảy ra tại dự án Sài Gòn Đại Ninh, TANDTP Hà Nội đã có kế hoạch đưa ra xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch Lâm Đồng và hàng loạt cá nhân vướng sai phạm. Truy tố cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ); cựu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và cựu Bí thư tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận (cùng tội Nhận hối lộ).

Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, khởi tố nhiều nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, nhiều lãnh đạo cấp cao bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ, Nhận hối lộ. Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội; Bắt tạm giam ông Dương Văn Thái, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang…

Vụ án tại Công ty Cây xanh Công Minh: Tháng 5/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ, xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và các tỉnh, thành phố.

Vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại tỉnh Bình Thuận. Bộ Công an khởi tố 17 bị can là lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.  Có 3 bị can thuộc công ty tư vấn thẩm định giá, cùng bị cáo buộc đã thống nhất việc xây dựng Chứng thư thẩm định giá không đúng quy định, nguyên tắc của phương pháp thặng dư, là đồng phạm với các bị can tại các cơ quan quản lý Nhà nước.

Vụ án tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công an đề nghị truy tố 13 bị can, với 9 người về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 3 người tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị cáo buộc tạo cơ chế cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi. Theo kết luận điều tra bổ sung, hành vi phạm tội của ông Vượng và đồng phạm gây thiệt hại cho EVN hơn 1.000 tỷ đồng.