Gần nửa triệu sản phẩm kem đánh răng, dầu gội giả của “bà trùm” Phạm Thị Sáng: Có những hãng nào?

Gần nửa triệu sản phẩm kem đánh răng, dầu gội giả của “bà trùm” Phạm Thị Sáng: Có những hãng nào?

Rất nhiều nhãn hiệu kem đánh răng, dầu gội, nước giặt,… nổi tiếng trong nước bị làm giả, làm nhái.

Theo báo Người đưa tin ngày 27/5 có bài Gần nửa triệu sản phẩm kem đánh răng, dầu gội giả của “bà trùm” Phạm Thị Sáng: Có những hãng nào? Nội dung như sau:

Ngày 27/5/2025, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 04 đối tượng về tội buôn bán hàng giả bao gồm Phạm Thị Sáng (sinh năm 1962), trú tại quận Gia Lâm, TP Hà Nội; Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1977), Phạm Thị Phương (sinh năm 1975), Hoàng Văn Thái (sinh năm 1991) cùng trú tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Cơ quan điều tra xác định: Phạm Thị Sáng là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây này. Số hàng giả được Phạm Thị Sáng mua lại của các đối tượng đầu nậu ở các tỉnh phía Bắc đưa về bán lại kiếm lời. Thông qua các mối quan hệ, Sáng cùng Dung, Phương, Thái có quen biết nhau. Các đối tượng Dung, Phương, Thái thường xuyên đặt mua số hàng hóa như dầu gội, kem đán răng, nước xả vải giả mạo các nhãn hiệu từ Sáng để về tiêu thụ.

Tiến hành dừng, khám phương tiện ô tô tải mang biển kiểm soát số 37C.441.xx do Nhữ Văn H. (sinh năm 1994), trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An là lái xe, điều khiển, công an phát hiện có gần 480.000 sản phẩm các loại không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, trong đó có hơn 400.000 gói dầu gội đầu nghi hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu Clear, Xmen, Dove, Sunsilk, Romano, Pamolive, Rejoice, Head & Shoulders.

Cùng với đó, công an cũng phát hiện 6.000 gói nước xả vải nghi hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu nhãn hiệu Comfort; gần 1.300 tuýp kem đánh răng nghi hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu nhãn hiệu Sensodyne, Close up và 63.520 chiếc bút viết các loại có tổng trị giá hơn 523 triệu đồng (so với mặt hàng tương đương

Khám xét chỗ ở của Nguyễn Thị Dung thu giữ 3.356 gói dầu gội giả mạo nhãn hiệu các loại như Sunsilk, Romano, Clear, Head & Shouders, Dove; khám xét nhà Phạm Thị Phương 300 gói nước xả vải giả mạo nhãn hiệu Comfort.

Trong quá trình mua bán, các đối tượng vẫn biết số hàng hóa này là sản phẩm kém chất lượng nhưng vẫn mua để về tiêu thụ. Các đối tượng có hành vi buôn bán hàng giả nhiều lần, địa bàn tiêu thụ chủ yếu ở các huyện miền núi rẻo cao; mặt hàng giả chủ yếu là dầu gội đầu, kem đánh răng, nước xả vải các loại.

 Ảnh: Trang TTĐT Công an tỉnh Nghệ An

Báo Dân trí ngày 27/5 có bài Bộ Y tế “tuýt còi” nhiều sản phẩm omega, bổ khớp… bán trên Lazada, Shopee. Nội dung như sau:

Ngày 27/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã có công văn chính thức đề nghị Công ty TNHH Shopee và Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada Việt Nam quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng trên môi trường thương mại điện tử.

Theo cơ quan này, qua rà soát thực hiện quy định đăng ký bản công bố và tự công bố, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện một số sản phẩm thực phẩm chức năng thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang bán trên các sàn thương mại này chưa được cấp bản công bố.

Sản phẩm Natto Kinase 4000fu được bán trên sàn thương mại điện tử (Ảnh: Chụp màn hình).

Các sản phẩm này gồm: Omega 3-6-9 1600mg; Natto Kinase 4000fu; Estroven – Complete Multi-Symptom; Kirkland Glucosamine 1500mg & Chondroitin 1200mg; Glucosamine 1500mg With MSM 1500mg.

Theo Cục An toàn thực phẩm, các sản phẩm này đang được quảng cáo và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử mà chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người sử dụng, đảm bảo sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tuân thủ theo quy định của pháp luật, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada và Công ty TNHH Shopee Việt Nam khẩn trương rà soát việc kinh doanh, giao dịch điện tử các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị hai đơn vị này chỉ kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc được công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm theo quy định.

Đồng thời yêu cầu hai đơn vị này ngừng ngay việc kinh doanh, gỡ bỏ thông tin về sản phẩm nêu trên, báo cáo kết quả bằng văn bản gửi về Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế trước ngày 30/5.