Rải đinh trên đường bị phạt đến 37 triệu đồng, có thể xử lý hình sự

Theo quy định mới, hành vi rải đinh trên đường sẽ bị phạt 35-37 triệu đồng, có thể xử lý hình sự.

Báo Tuổi trẻ ngày 21/1 đăng bài: “Rải đinh trên đường bị phạt đến 37 triệu đồng, có thể xử lý hình sự”. Nội dung như sau:

Theo quy định mới, hành vi rải đinh trên đường bị phạt tiền từ 35-37 triệu đồng, có thể xử lý hình sự – Ảnh: NGỌC KHẢI

Thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý nhưng nạn đinh tặc vẫn chưa chấm dứt.

Ngày 21-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết rải đinh trên đường là hành vi nguy hiểm, gây bức xúc cho người khác, bởi lẽ nó gây ra nhiều thiệt hại cho người đi đường.

Rải đinh trên đường: Bạn đọc hiến kế trừng trị ‘đinh tặc’

Khi cán phải các vật nhọn này, nhẹ thì hư hỏng lốp xe nhưng thường người dân sẽ phải sửa chữa với giá “cắt cổ” từ các tiệm sửa dọc đường.

Hoặc khi xe cộ di chuyển với tốc độ cao, đi trong đêm tối thì tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người đi đường, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội.

Hành vi này rất đáng bị lên án và cần xử lý thật nghiêm.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM)

Luật sư Lê Trung Phát cho biết theo quy định tại điểm b, khoản 14, điều 12 nghị định 168 NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 thì hành vi “rải vật sắc nhọn trên đường bộ” sẽ bị phạt tiền từ 35-37 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện.

Ngoài ra, nếu người thực hiện là người điều khiển phương tiện thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Theo luật sư Lê Trung Phát, việc “rải vật sắc nhọn trên đường bộ” mà thực hiện tại đèo, dốc, đường cao tốc, đoạn đường nguy hiểm hoặc gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người khác về tài sản, sức khỏe, tính mạng thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Lúc này người thực hiện hành vi phải đối mặt với khung hình phạt là tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.

Báo Người đưa tin ngày 17/1 đăng tin: “Mức phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy mới nhất, từ 1/2025”, với nội dung:

Từ ngày 1/1/2025, mức phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

– Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường;

– Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h;

– Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông;

– Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;

– Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

– Quay đầu xe tại nơi không được quay đầu xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 4 Điều Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Như vậy, mức phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Ảnh minh họa

Người ngồi sau xe máy có cần đội mũ bảo hiểm?

Theo điểm h khoản 2 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Điều 7. Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

h) Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;

Đồng thời, tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ; sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác như sau:

Điều 12. Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ; sử dụng lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác

5. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt vật nuôi, mang vác vật cồng kềnh, đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái của xe;

b) Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Như vậy, theo quy định trên thì cả người điều khiển và người ngồi sau xe máy đều bị phạt nếu vi phạm quy định về lỗi chở người ngồi sau xe máy không đội mũ bảo hiểm. Cụ thể, người điều khiển xe bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng nếu chở người không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đúng quy cách (Điều 7). Đồng thời, người ngồi sau cũng bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng nếu không tuân thủ quy định về đội mũ bảo hiểm (khoản 5 Điều 12).