(Dân trí) – Một tài khoản đăng tải lên mạng xã hội sự việc ban phụ huynh trích quỹ lớp viếng mẹ chồng cô hiệu trưởng và đặt câu hỏi: “Mẹ chồng cô hiệu trưởng có liên quan gì đến các con và phụ huynh?”.
Câu chuyện ban phụ huynh trích quỹ lớp viếng mẹ chồng cô hiệu trưởng được chia sẻ lên một số diễn đàn mầm non kèm theo các đoạn tin nhắn tranh luận giữa trưởng ban phụ huynh và một phụ huynh khác.
Vị phụ huynh này phản đối việc dùng quỹ lớp đi đám hiếu vì cho rằng quỹ lớp chỉ dành cho hoạt động của học sinh. Mẹ chồng cô hiệu trưởng hay bất kỳ ai trong gia đình cô mất không liên quan tới trẻ.
Đáp lại, trưởng ban phụ huynh nêu lý do lớp nào cũng làm như vậy và không nên khác biệt với tập thể, đồng thời xem việc đi đám tang mẹ chồng cô hiệu trưởng là việc “đối ngoại” của lớp.
Trong phần bình luận trên các diễn đàn, nhiều người bày tỏ quan điểm khác nhau. Một bên cho rằng ban phụ huynh thực sự có nhiều khó khăn trong việc ứng xử, “đối ngoại” để dung hòa mối quan hệ giữa nhà trường, giáo viên đứng lớp và các phụ huynh trong lớp.
Một bên khẳng định, quỹ lớp không dùng để “đối ngoại” và không nên dùng vào việc “đối ngoại”.
Học sinh tiểu học trong lễ chào cờ (Ảnh: Hoàng Hồng).
Những hoạt động hiếu hỉ liên quan tới nhà trường, giáo viên cần được tách bạch hoàn toàn với quỹ lớp, bởi điều này không chỉ trái với quy định của ngành giáo dục mà còn làm mất đi ý nghĩa đẹp đẽ của tập tục văn hóa truyền thống.
Chia sẻ ý kiến cá nhân với phóng viên Dân trí, cô H.T.H – người có nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm cấp THPT – nhận định: “Ban phụ huynh sai hoàn toàn trong sự việc này”.
Theo cô H., nếu hiểu đúng và gọi đúng, quỹ lớp là quỹ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Như vậy, việc dùng quỹ này vào việc gì và dùng như thế nào phải có sự thống nhất của toàn thể phụ huynh lớp ngay tại thời điểm vận động gây quỹ.
“Bình thường giáo viên chủ nhiệm không được can thiệp vào hoạt động của ban phụ huynh. Tuy nhiên, để tránh những hệ lụy không đáng có, tôi luôn góp ý với ban phụ huynh lớp cần lên một danh sách chi tiêu ngay từ đầu năm học.
Các khoản chi tiêu này phải được đưa ra thảo luận, biểu quyết, lấy ý kiến đa số. Chi phí phát sinh nếu có chỉ là phát sinh trên những đầu mục chi tiêu đã được thống nhất, chứ không được phát sinh đầu mục chi tiêu mới.
Việc trích quỹ lớp đi đám tang mẹ chồng cô hiệu trưởng sẽ là điều hoàn toàn bình thường nếu đầu mục chi tiêu cho hiếu hỉ này đã được toàn thể phụ huynh thông qua đầu năm.
Và ngược lại, khi việc chi tiêu là ý chí chủ quan của ban phụ huynh thì mọi lý do, bao gồm “đối ngoại”, “lớp nào cũng làm thế lớp mình không nên khác biệt” đều không nên được chấp nhận.
Các phụ huynh phải hiểu rằng, bất kỳ sự không thống nhất ý kiến nào trong nội bộ lớp cũng sẽ có nguy cơ bị đưa lên mạng xã hội thành đề tài đàm tiếu.
Khi ấy, người ta không quan tâm ban phụ huynh là ai mà chỉ xăm soi xem phụ huynh đó ở trường nào, lớp nào. Vô tình, nhà trường, giáo viên bị lôi kéo vào vụ việc và ảnh hưởng lớn đến danh dự”, cô H. chia sẻ.
Từng có 3 năm làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, chị Nguyễn Tuyết Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng quan điểm với cô H.T.H.
Chị Minh nêu thực trạng nhiều ban phụ huynh không đưa các vấn đề chi tiêu ra trao đổi với tập thể phụ huynh lớp do ngại chuyện ý kiến. Chỉ đến cuối kỳ học, họ mới đưa ra bảng kê.
“Một phụ huynh từng nói với tôi, trăm người mười ý, càng đưa ra thảo luận càng không thể thống nhất. Không thống nhất được thì không chi tiêu được, hoạt động của ban phụ huynh tê liệt.
Tôi đồng ý từng có chuyện này xảy ra. Bởi vì chỉ cần 1-2 người trong lớp không đồng tình thì quỹ lớp không thể thu chi. Song không nên vì thế mà ban phụ huynh xem mình có toàn quyền với quỹ lớp, tiêu trước, báo cáo sau”, chị Minh nói.
Cô H.T.H. cũng khuyên ban phụ huynh nên tránh đưa việc hiếu hỉ vào hoạt động chung của tập thể lớp. “Hoạt động này ngoài văn hóa còn là tín ngưỡng, những sự tranh cãi, phản đối liên quan là điều kiêng kị với người Việt”, cô H. bày tỏ.