Trường ĐH Hà Nội khẳng định không còn lưu hồ sơ tuyển sinh, bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt

Ngôi trường đại học đầu tiên mà ông Vương Tấn Việt nộp hồ sơ tuyển sinh hiện khẳng định không còn lưu giữ bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông này.

Nhiều ngày qua, thông tin về việc ông Vương Tấn Việt (SN 1959, tức Thượng tọa Thích Chân Quang) chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa gây xôn xao dư luận. Sau buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, Sở GD-ĐT TPHCM đã xác định ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD-ĐT TP HCM.

Đến tối ngày 13/8, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu các đơn vị, cơ sở giáo dục liên quan báo cáo. Đồng thời, Bộ GD&ĐT rà soát, kiểm tra, xác minh và phối hợp xác minh làm rõ thông tin, minh chứng trên tinh thần và nguyên tắc kỹ lưỡng, cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Thượng tọa Thích Chân Quang trong ngày nhận bằng tại Trường đại học Luật Hà Nội – Ảnh: Cổng thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Bộ GD&ĐT cũng đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Việt. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định.

Được biết, trường Đại học đầu tiên mà ông Vương Tấn Việt theo học đến nay xác định là ngành tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội- nay là Trường ĐH Hà Nội. Như vậy, đây là ngôi trường đầu tiên mà ông Việt nộp bằng tốt nghiệp cấp 3 để làm điều kiện tuyển sinh vào đại học.

Chia sẻ trên báo Dân trí ngày 15/8, đại diện Trường ĐH Hà Nội cho biết, hiện nhà trường không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt (trong đó có bằng cấp 3). Giải thích cụ thể hơn, vị đại diện cho biết, theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.

Trường đầu tiên nhận tấm bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt nói gì? - Ảnh 1.

Tấm bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt

Thông tin trên báo Tuổi trẻ Online vào ngày 14/8, phía Trường ĐH Hà Nội cho biết thêm, ông Vương Tấn Việt đã học chương trình đại học ngành ngôn ngữ Anh của Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, hệ đào tạo từ xa. Thời gian học từ năm 1994 đến năm 2001.

Tuy nhiên, theo quy định thì trường chỉ lưu giữ các thông tin của sinh viên gồm kết quả học tập, các quyết định công nhận trúng tuyển và công nhận tốt nghiệp của sinh viên.

Sau khi thông tin bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt sử dụng là bằng không hợp lệ, bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã thông tin với báo chí về việc trường vẫn đang làm việc với Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT. “Khi có thông tin chính thức từ cơ quan quản lý, nhà trường sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT”, Vietnamnet dẫn lời bà Phương thông tin.

Phía đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội, nơi cấp bằng Tiến sĩ cho ông Vương Tấn Việt cũng đã lên tiếng về vụ việc. Cụ thể, VTC News dẫn lời đại diện Đại học Luật Hà Nội nói: “Về nguyên tắc, khi có văn bản chính thức của cơ quan quản lý thì trường sẽ thực hiện các quy trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu học viên sử dụng bằng giả để tuyển sinh thì các trường đào tạo và cấp bằng ở bậc cao hơn sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ”.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.