Trong 24 giờ tới, bão số 6 (Trà Mi) có khả năng đạt cường độ cực đại cấp 12, giật cấp 15. Ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, bão bị tác động bởi không khí lạnh và cơn bão mới nên hướng di chuyển rất “kì dị”.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 10h sáng nay (25/10), vị trí tâm bão trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo, đến 10h ngày 26/10, vị trí tâm bão trên khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 20km/h.
Đến 10h ngày 27/10, vị trí tâm bão trên khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách Quảng Trị – Quảng Ngãi khoảng 200km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 15km/giờ.
Đến 10h ngày 28/10, vị trí tâm bão trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Nam, sau đó là Đông Nam, tốc độ khoảng 5-10km/giờ.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông mỗi giờ đi được 5-10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Hướng di chuyển của bão số 6. Nguồn: VNDMS
Sáng cùng ngày, tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (Trà Mi) do Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) tổ chức, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đã có lý giải về hướng di chuyển của bão rất phức tạp.
Theo đó, trong 24 giờ tới, bão Trà Mi di chuyển theo hướng Tây và có khả năng đạt cường độ cực đại cấp 12, giật cấp 15. Khi đi đến khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa, bão có xu hướng suy yếu do tác động của không khí lạnh nên khả năng cường độ giảm xuống cấp 10-11.
Ông Hưởng cho biết, sau khi đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa (qua kinh tuyến 110 độ Đông) thì có khả năng bão ngoặt hướng ra biển do ở phía đông khu vực Philippines đang có một áp thấp nhiệt đới, khả năng mạnh lên thành bão.
Sự tương tác của bão đôi làm cho bão số 6 dịch chuyển ra ngoài và suy yếu đi. Tuy nhiên hoàn lưu gió mạnh của bão tương đối rộng, vùng mây đối lưu cũng lệch về phía Tây, do đó khu vực Bắc và Giữa Biển Đông sẽ chịu tác động chính của gió mạnh.
Với hướng di chuyển của bão như trên, khoảng chiều mai (26/10) ở vùng biển Trung Bộ có thể có gió mạnh cấp 6-7, sau khi bão tiến gần gió tăng lên cấp 8-9, khu vực đảo Lý Sơn cũng có gió mạnh tương tự.
Đáng lưu ý, với hoàn lưu mây lệch về phía Tây, khả năng tối và đêm mai đến 29/10, bão số 6 gây mưa lớn ở Trung Bộ (từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Phú Yên), vùng mưa lớn tập trung ở Quảng Trị cho đến Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai; lượng mưa ở khu vực này có thể lên tới 200-300mm, không loại trừ khả năng có những khu vực mưa với cường suất lớn.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 6, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12 (89-133km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 5-7m, vùng gần tâm bão 7-9m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa) đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Theo các chuyên gia, diễn biến của bão cuối mùa thường rất phức tạp, do vậy người dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo để theo dõi.