TP Hà Nội sẽ hợp nhất nhiều cơ quan để giảm 5 sở, tỉnh Vĩnh Phúc cũng sáp nhập để giảm 6 sở ngành nhằm hạn chế chồng chéo nhiệm vụ.
Ngày 13/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài ký ban hành thông báo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố, Ban chỉ đạo định hướng hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng; hợp nhất hai Sở Tài nguyên và Môi trường và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Khoa học và Công nghệ.
Sở Lao động Thương binh Xã hội hợp nhất với Sở Nội vụ; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.
Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ được chuyển về Ban Dân tộc, thành lập Ban Dân tộc – Tôn giáo. UBND TP Hà Nội nghiên cứu, đề xuất phương án sắp xếp đối với các cơ quan báo chí, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố; rà soát tất cả ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.
Trụ sở UBND TP Hà Nội. Ảnh: Giang Huy
Với cơ quan, tổ chức Đảng, TP Hà Nội sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố và Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố. Hà Nội sẽ xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tiếp tục mô hình Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng do đặc thù Thủ đô tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng.
Hà Nội sẽ kết thúc hoạt động Ban cán sự đảng UBND thành phố; Ban cán sự đảng TAND thành phố, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố.
Tám đảng đoàn thuộc Thành ủy cũng kết thúc hoạt động gồm: HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Hội Nông dân thành phố, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật.
Thay vào đó, TP Hà Nội sẽ thành lập hai Đảng bộ theo từng khối cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, UBND, tư pháp. Trong đó có Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp trực thuộc Thành ủy, gồm các Đảng bộ (chi bộ) trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy (Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính, Văn phòng Thành ủy), báo Hà Nội mới, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, các hội quần chúng cấp thành phố do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Đảng bộ chính quyền thành phố trực thuộc Thành ủy, gồm các Đảng bộ (chi bộ) trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, một số doanh nghiệp nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của Đảng bộ doanh nghiệp).
Với các cơ quan dân cử, Hà Nội giữ nguyên tổ chức bộ máy như hiện nay, cấp thành phố gồm Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và 4 ban, cấp huyện gồm 2 ban. Ngoài ra, việc lập thêm ban của HĐND các cấp theo Luật Thủ đô năm 2024 sẽ được xem xét sau khi ổn định tổ chức bộ máy.
Thành phố đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo cấp ủy cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tương tự ở thành phố. Theo đó, Ban Tuyên giáo sáp nhập với Ban Dân vận quận, huyện, thị ủy. Ở cấp này, TP Hà Nội cũng lập hai Đảng bộ theo khối: Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp huyện và Đảng bộ chính quyền cấp huyện.
Phòng Lao động Thương binh Xã hội và Phòng Nội vụ hợp nhất, chuyển một số chức năng, nhiệm vụ sang Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Y tế. Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Kinh tế hợp nhất.
Theo Ban chỉ đạo, việc sắp xếp các cơ quan kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách chế độ tiền lương. Việc này cũng nhằm cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian.
Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa ban hành phương án tổng thể sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, 7 Đảng đoàn kết thúc hoạt động gồm: Đảng đoàn HĐND, Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh. Ban cán sự Đảng UBND, VKSND, TAND; Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Khối doanh nghiệp tỉnh, cũng kết thúc hoạt động.
Vĩnh Phúc sẽ lập hai Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp tỉnh; Đảng bộ Khối chính quyền cấp tỉnh. Theo các phương án này, tỉnh sẽ giảm 10 tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy.
Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận tỉnh, huyện dự kiến được hợp nhất. Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh kết thúc hoạt động, chuyển chức năng thực hiện chế độ, chính sách cán bộ về Ban tổ chức Tỉnh ủy; chức năng quản lý sức khỏe về Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 28/30 Ban chỉ đạo của Tỉnh ủy sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về các cơ quan chuyên trách.
Với các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Vĩnh Phúc dự kiến hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính, tên mới là Sở Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Sở Kinh tế phát triển. Sở Giao thông Vận tải hợp nhất Sở Xây dựng, lấy tên là Sở Phát triển Hạ tầng hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn.
Sở Tài nguyên Môi trường hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lấy tên Sở Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường. Sở Thông tin Truyền thông và Sở Khoa học Công nghệ hợp nhất, lấy tên là Sở Khoa học Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Sở Khoa học Công nghệ Chuyển đổi số và Truyền thông.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội hợp nhất Sở Nội vụ, tên mới là Sở Nội vụ và Lao động. Chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội sẽ chuyển sang Sở Y tế; nhiệm vụ giảm nghèo chuyển về Ban Dân tộc.
Sở Ngoại vụ kết thúc hoạt động, chuyển chức năng nhiệm vụ về Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy. Thư viện và Bảo tàng tỉnh dự kiến sẽ sáp nhập do hiệu quả hoạt động của thư viện không cao.
Với phương án nêu trên, Vĩnh Phúc dự kiến giảm 15 tổ chức đảng; 6 sở; 12 phòng thuộc Sở. Số người dôi dư sau sắp xếp là 295, trong đó có 2 giám đốc sở, 9 phó giám đốc sở; 8 chi cục trưởng… Phương án tinh gọn bộ máy này cơ bản tương đồng với kế hoạch sắp xếp bộ máy của các cơ quan Đảng ở Trung ương và Chính phủ.
Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thống nhất tạm dừng tuyển dụng công chức tại cơ quan thuộc diện phải sắp xếp; tạm dừng bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn hoặc cho chủ trương kiện toàn chức danh lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tỉnh cũng tạm dừng bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng và tương đương tại cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện thuộc diện phải sắp xếp.
Trong trường hợp thật sự cần thiết, Ban thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc, xem xét tổng thể, toàn diện về tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kiện toàn Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy.