Việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương là chủ trương đã được Trung ương triển khai từ khá sớm. Trên cơ sở những nghị quyết, kết luận của Trung ương, Vĩnh Phúc đã chú trọng đến công tác này.
Qua thực tiễn công tác, những cán bộ được luân chuyển, điều động đã phát huy năng lực, sở trường, giúp các địa phương giải quyết việc khó, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.
Nhiệm vụ trọng tâm
Thời gian qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều đề án, nghị quyết về công tác cán bộ. Trong đó, việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đã được triển khai từ sớm, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy lãnh đạo, quản lý và đổi mới công tác cán bộ trong tình hình mới.
sung gấp 10lần ít người biết. Đàn ông nên xemThêm…551138184Cán bộ, chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Sông Lô rà soát hồ sơ để tham mưu Huyện ủy xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ. Ảnh: Kim Ngân – Thanh Huyền
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 08 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 05 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021 – 2025 và Đề án số 20 về luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng giai đoạn 2023 – 2025, với những mục tiêu, nhiệm vụ rất cụ thể.
Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương và từng bước bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Cơ bản các xã, phường, thị trấn có cán bộ được luân chuyển từ cấp huyện xuống hoặc luân chuyển ngang với ít nhất 40% bí thư cấp ủy và ít nhất 25% chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương. Để việc triển khai đạt hiệu quả cao, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, lựa chọn những cán bộ quy hoạch; xem xét về trình độ, năng lực, sở trường của mỗi cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương để sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp.
Trước khi luân chuyển, điều động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị chu đáo và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương cả nơi cán bộ đi và đến để tạo sự thống nhất trong nhận thức về việc thực hiện chủ trương này. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ được luân chuyển để động viên, khích lệ cán bộ khi họ phải công tác xa nhà, ở những địa bàn khó khăn.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 5/2024, Vĩnh Phúc đã luân chuyển, điều động 88 cán bộ. Trong đó, điều động luân chuyển từ khối chính quyền sang khối Đảng, đoàn thể 1 đồng chí; từ khối Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền 6 đồng chí; từ tỉnh về huyện, xã 26 đồng chí và từ huyện, xã lên tỉnh 16 đồng chí.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Sông Lô đã luân chuyển, bố trí nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã không phải là người địa phương. Qua thực tiễn công tác, nhiều cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương đã khắc phục khó khăn, phát huy năng lực, tâm huyết, để lại dấu ấn tốt đẹp tại cơ sở, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận.
Ông Trần Văn Tuyên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sông Lô (Vĩnh Phúc) cho biết, ngoài luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động, luân chuyển bí thư Đảng ủy từ xã này sang xã khác. Trước khi thực hiện luân chuyển, huyện tiến hành đánh giá cán bộ nghiêm túc, chặt chẽ; rà soát địa bàn cần bố trí; làm tốt công tác tư tưởng; đảm bảo giao đúng người, đúng việc. Đến nay, huyện đã có 9/17 xã, thị trấn có bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, đạt 53%, vượt 13% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 08. Đối với chức danh chủ tịch UBND, đến nay, huyện có 5/19 đơn vị cấp xã chủ tịch UBND không phải là người địa phương.
Chủ tịch UBND xã Như Thụy (Sông Lô) Nguyễn Văn Bắc thường xuyên xuống cơ sở để tìm hiểu thực tiễn, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: Kim Ngân – Thanh Huyền
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Như Thụy Nguyễn Văn Bắc, năm 2021, khi đang là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sông Lô, được Huyện ủy điều động về làm Chủ tịch UBND xã Như Thụy. Việc thay đổi nhiệm vụ công tác cùng phương thức quản lý từ cấp huyện sang cấp xã, nhất là không phải người địa phương nên thời gian đầu đã không tránh khỏi những khó khăn, thách thức.
“Bằng sự nỗ lực nắm bắt tâm tư, tình cảm, công việc và những vướng mắc thực tế tại xã tôi đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ. Trước tiên, tôi tham mưu Ban Thường vụ Đảng ủy rà soát, xây dựng quy chế làm việc mới và niêm yết công khai tại trụ sở để cán bộ, đảng viên nắm được, tự giác chấp hành. Nếu cán bộ, công chức nào vi phạm sẽ bị kiểm điểm, đánh giá, hạ thi đua. Tiếp đến, UBND xã tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi giữa các đảng viên, lãnh đạo xã, các tổ chức đoàn thể để lắng nghe, cùng trao đổi, bàn bạc, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc. Lãnh đạo xã thường xuyên tham gia hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhân dân để kịp thời lắng nghe, giải đáp những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Từng bước như vậy, nhiều vụ việc, vướng mắc đã được tháo gỡ, giải quyết kịp thời được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao”, ông Bắc chia sẻ.
Ông Chu Văn Thục, thôn Tân Sơn, xã Như Thụy cho biết, chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương là rất đúng và trúng. Bởi, khi không phải là người địa phương thì giải quyết công việc sẽ khách quan, công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn
Với sự chỉ đạo đồng bộ, đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 7/9 huyện, thành phố có bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; có 53/135 xã, phường, thị trấn có bí thư cấp ủy cấp xã không phải là người địa phương. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện bố trí được 7/9 chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương; nhiều xã, phường, thị trấn đã có cả chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND không phải là người địa phương.
Cán bộ chủ chốt huyện, xã phát huy năng lực
Việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá là tạo môi trường để cán bộ rèn luyện giúp cán bộ trưởng thành từ thực tiễn và đang được thực hiện hiệu quả, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Từ khi được luân chuyển về cơ sở, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tam Sơn (Sông Lô) Bùi Văn Thọ (người ngồi giữa) luôn có sự đồng hành, ủng hộ của cán bộ, đảng viên địa phương. Ảnh: Kim Ngân – Thanh Huyền
Từng là địa phương có kinh tế – xã hội chậm phát triển vì đội ngũ cán bộ, công chức thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn, giờ đây, xã Yên Đồng (Yên Lạc-Vĩnh Phúc) đã có những đổi thay toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cán bộ, công chức tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chấp hành nghiêm các quy định, kỷ cương hành chính. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt… Năm 2021, Yên Đồng bứt phá về đích NTM nâng cao, là 1 trong 3 xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện Yên Lạc. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Xuân Nam, Phó Chánh văn phòng UBND, HĐND huyện Yên Lạc được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Đồng từ năm 2020. Với sự nỗ lực, trưởng thành từ cơ sở, năm 2023, đồng chí Nam được luân chuyển về làm Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện.
Chia sẻ về quãng thời gian làm việc tại xã Yên Đồng, đồng chí Nam cho biết: “Khi về làm Bí thư Đảng ủy xã, bản thân tôi đã học hỏi, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Những khó khăn ở địa bàn mới khi tôi không phải là người địa phương đã tạo môi trường để tôi được trải nghiệm và trưởng thành hơn trong công việc”.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đa phần cán bộ được điều động, luân chuyển về làm cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã đều phát huy được năng lực, sở trường, kịp thời nắm bắt tình hình, khắc phục khó khăn, tiếp cận nhanh công việc, cùng tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương mang lại nhiều đổi thay tích cực tại địa bàn công tác, nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sau luân chuyển, nhiều đồng chí đã tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn, trưởng thành toàn diện và được bổ nhiệm ở chức vụ cao hơn.
Để việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đạt kết quả như mong muốn cần có 2 yếu tố quan trọng. Thứ nhất, cán bộ phải thực sự cầu thị, chủ động rèn luyện, nỗ lực, cố gắng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thứ hai, cấp ủy, chính quyền nơi tiếp nhận cán bộ được luân chuyển luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện để cán bộ phát huy được năng lực, sở trường.
Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tam Đảo Lê Công Thành cho biết: Để việc luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương đạt kết quả cao, cùng với việc thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn của cấp trên, trước khi luân chuyển, Huyện ủy Tam Đảo đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương cả nơi cán bộ đi và đến, để mọi người đều thống nhất trong nhận thức về việc thực hiện chủ trương này là cần thiết, thường xuyên trong công tác cán bộ.
Bí thư Đảng ủy xã Đại Tự (Yên Lạc) Đỗ Đức Long (ngoài cùng bên phải) thường xuyên thăm nắm tình hình sản xuất, trồng trọt của người dân sau khi thực hiện dồn thửa, đổi ruộng. Ảnh: Kim Ngân – Thanh Huyền
Từ năm 2020 đến nay, huyện Tam Đảo đã 2 lần luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở với mục đích để bầu Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương. Mặc dù các đồng chí được luân chuyển về cơ sở đều là những người có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, do yếu tố cục bộ ở địa phương nên khi tham gia vào bầu chức danh Chủ tịch UBND xã thì nhiều đồng chí có tỷ lệ phiếu ủng hộ thấp nên huyện phải bố trí các đồng chí này sang vị trí công tác khác.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đại Tự (Yên Lạc) Đỗ Đức Long: Hiện nay, tỉnh chưa có chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù cho cán bộ khi được luân chuyển, nhất là đối với cán bộ luân chuyển từ xã này sang xã khác. Trong khi, một số địa phương có diện tích rộng, nhiều xã cách xa nhau.
Điều này cũng tác động một phần đến tâm lý của cán bộ luân chuyển, nhất là trong giai đoạn đầu thực hiện nhiệm vụ mới. Vì vậy, rất mong các cấp, ngành nghiên cứu, xem xét chế độ, chính sách về nơi ở, điều kiện sinh hoạt, công tác và các chế độ chính sách khác nhằm tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, tỷ lệ bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã không phải là người địa phương của tỉnh vẫn đạt tỷ lệ khá thấp. Trong đó, đối với chức danh bí thư cấp huyện đạt 78%, cấp xã đạt 39%.
Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu đến năm 2025, 100% bí thư cấp huyện không phải người địa phương; từng bước bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương và ít nhất 40% bí thư cấp ủy, 25% chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương. Đến năm 2030, 100% bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương, ít nhất 60% bí thư cấp ủy và 40% chủ tịch UBND cấp xã không phải người địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương nhằm tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị.
Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, rà soát địa bàn để xây dựng kế hoạch luân chuyển gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản mới liên quan đến công tác cán bộ nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện chủ trương này.