Vụ máy bay không người lái chém tử vong người đi xe máy: Trách nhiệm thuộc về ai?

Người đàn ông ở Kiên Giang tử vong do va chạm với máy bay không người lái. Vậy người điều khiển máy bay có liên quan thế nào?

Vào lúc 7h05 ngày 20/11, ông B.V.T (sinh năm 1975, thường trú tại tổ 3, ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 68X1-309.. đang trên đường về sau khi đi đăng lưới.

Khi ông di chuyển qua đoạn đường kênh 15, thuộc tổ 9, ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn, bất ngờ xảy ra va chạm với một chiếc máy bay không người lái (drone) đang xịt thuốc trừ sâu, do ông M.V.L (sinh năm 1995, hộ khẩu thường trú tại tổ 2, ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn) điều khiển.

Sau cú va chạm, cánh quạt của drone đã chém vào đầu và cổ ông T., khiến ông này bị thương nặng. Ông T. đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang, nhưng đến ngày 21/11, do vết thương quá nghiêm trọng, ông đã tử vong.

Vụ máy bay không người lái chém tử vong người đi xe máy: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Ảnh: Người lao động

Vụ máy bay không người lái chém tử vong người đi xe máy: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2.

Hiện trường vụ việc thương tâm. Ản: LĐO

Vậy, ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước cái chết của ông T.?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đào Thị Bích Liên, thuộc Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, đã đưa ra những phân tích với phóng viên Báo Người Lao Động. Đầu tiên, cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra để xác định rõ lỗi của ai trong vụ tai nạn này. Cụ thể, drone có giấy phép bay hợp pháp không? Các hoạt động của drone có tuân thủ đúng quy định về độ cao và khu vực bay cho phép không?

Ngoài ra, cần phải làm rõ nguyên nhân của sự cố. Liệu có phải drone mất kiểm soát do lỗi kỹ thuật, điều kiện thời tiết xấu, hay là do lỗi của người điều khiển? Drone có được bảo trì, kiểm tra an toàn định kỳ hay không? Các yếu tố bất khả kháng, như gió mạnh hay thời tiết xấu, có ảnh hưởng đến sự cố này không?

Tiếp theo, cần xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hậu quả từ hành vi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ quyết định xử lý hành vi vi phạm dưới các hình thức phạt hành chính, hình sự hoặc dân sự.

Về xử phạt hành chính, theo Nghị định 144/2021 quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và phòng chống bạo lực gia đình, hành vi sử dụng tàu bay không người lái mà không tuân thủ các quy định quản lý bay sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng.

Đồng thời, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Tri Thức và Cuộc Sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định rằng nếu việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc không được cấp phép và vi phạm các quy tắc an toàn, dẫn đến vụ tai nạn này, cơ quan điều tra sẽ có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người điều khiển drone về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự.

Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự, tội vô ý làm chết người có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Bên cạnh trách nhiệm pháp lý, người gây ra cái chết của người khác còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các thiệt hại, bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công chăm sóc trước khi chết, chi phí mai táng và bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình nạn nhân.