Ông Nguyễn Cao Trí xin không bị thu hồi 2.700 tỷ chuyển nhượng siêu dự án Đại Ninh

Đại gia Nguyễn Cao Trí cho rằng 2.700 tỷ đồng có được từ việc chuyển nhượng siêu dự án Đại Ninh là giao dịch ngay tình giữa hai doanh nghiệp nên xin tòa không tuyên thu hồi.

Trong phiên xét xử ngày 16/1, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, dành nhiều thời gian phân trần liên quan siêu dự án Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ông là người duy nhất trong vụ án bị TAND Hà Nội xét xử về tội Đưa hối lộ.

Ông Trí bị VKS cáo buộc đã mua lại dự án Đại Ninh sau khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận 929 chỉ ra nhiều vi phạm, kiến nghị tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất. Sử dụng các mối quan hệ để tác động, kết hợp đưa hối lộ tổng cộng 7,05 tỷ đồng cho một số cán bộ Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng, ông Trí được giúp sửa kết luận Thanh tra, chấp thuận cho gia hạn dự án.

Sau khi “bẻ lái” lấy lại được dự án, Công ty Lavender của ông Trí và Tập đoàn Novaland ký thỏa thuận bảo mật thông tin với phí 300 tỷ đồng. Ngay sau đó Công ty Lavender và Công ty Thiên Vương của Novaland ký hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng 100% cổ phần tại Sài Gòn Đại Ninh, tổng trị giá 27.600 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Trí cho hay phải ký hợp đồng bảo mật thông tin vì Novaland là đơn vị đeo bám từ đầu đến cuối, trong khi còn có nhiều doanh nghiệp khác muốn mua nên phải ký để “đảm bảo sự chắc chắn”. Novaland sau đó cũng nắm hết các vấn đề pháp lý của dự án.

Ông Nguyễn Cao Trí tại tòa, sáng 16/1. Ảnh: Danh Lam

Theo VKS cáo buộc, sau khi ký hợp đồng thỏa thuận, Công ty Thiên Vương phải thanh toán đợt một cho Công ty Lavender 5.000 tỷ đồng trước ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, đến ngày 7/10/2022, Thiên Vương mới thanh toán 2.700 tỷ đồng, vi phạm quy định về điều khoản thanh toán theo thỏa thuận.

Tại tòa, ông Trí giải thích, ai cũng tưởng hợp đồng trị giá 27.600 tỷ đồng “là rất to” song thực tế chỉ là một “hợp đồng nguyên tắc”. Trong số này phải trừ đi 8.000 tỷ đồng đầu tư cho giai đoạn 2, rồi các khoản chi phí khác như trả nợ cho “ông chủ” cũ của dự án, đóng thuế đất, đầu tư các hạ tầng y tế, giáo dục.

Nếu so số vốn 2.500 tỷ đồng đã bỏ ra và khoản tiền nhận được từ Novaland thì chênh lệch khoảng 300 tỷ đồng. Tiền nhận được, Công ty Lavender của ông Trí dùng trang trải đầu tư, trả lãi ngân hàng, nộp trước tiền sử dụng đất cho tỉnh Lâm Đồng.

“Thậm chí tôi không có một đồng” trong dòng tiền đó, ông nói.

Ông khai cũng chuyển hàng trăm tỷ cho các đối tác khác nên mong “ai đã nhận tiền trong dòng tiền đó hãy trả lại cho ông” khi dự án đã không thành.

“Khi bị cáo đứng ở đây, trong thế như này thì có nghĩa là mình đã có tội và cũng đã ý thức được điều này. Tuy nhiên bị cáo đề nghị HĐXX xem xét thận trọng về đề nghị tịch thu 2.700 tỷ đồng. Thực chất đây là giao dịch ngay tình của hai doanh nghiệp, không dính trực tiếp đến hành vi đưa hối lộ của bị cáo. Vì vậy nên để hai doanh nghiệp tự giải quyết theo trình tự dân sự, không tịch thu”, ông Trí nói.

Nhiều hạng mục ở dự án Đại Ninh đang bỏ hoang. Ảnh: Trường Hà

VKS cáo buộc, Tập đoàn Novaland biết rõ việc bà Phan Thị Hoa (nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) và ông Trí ký hợp đồng chuyển nhượng dự án là trái quy định do thời điểm này dự án đang bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi. Novaland cũng biết Trí sẽ phải thực hiện các hành vi “chạy thủ tục” để được điều chỉnh kết luận thanh tra song vẫn ký thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.

Với số tiền 2.700 tỷ đồng ông Trí nhận của Novaland xuất phát từ chuỗi hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo và những người khác trong vụ án. Trong đó có một phần lỗi, trách nhiệm của Novaland trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng không đúng quy định pháp luật nên cần tịch thu sung công quỹ số tiền trên.

Tranh chấp giữa ông Trí và Công ty Thiên Vương của Novaland sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Lý do bán dự án cho Novaland

Ông Trí khai tâm huyết với dự án này và điều đó gây “đau đớn”. Ông giờ đây đứng trước tòa cùng cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận và cựu Chủ tịch Trần Văn Hiệp – những người cùng chung mục đích “rất muốn dự án về Lâm Đồng”.

“Thậm chí khi tôi lên đặt vấn đề, một trong hai anh còn nói: ‘Trí ơi em làm được dự án này thậm chí anh còn cho thêm tiền em”, ông Trí nói.

Ông Trí khai tỉnh Lâm Đồng khi đó đang muốn làm cao tốc nối từ TP HCM lên, nhưng cần đối ứng 3.000 tỷ từ địa phương trong khi tỉnh không có đủ. Nếu dự án Đại Ninh hoạt động, Lâm Đồng sẽ có số tiền rất lớn để làm cao tốc này.

“Bị cáo khai rất thích dự án Đại Ninh, muốn đầu tư, sao lại bán cho Novaland?”, chủ tọa hỏi.

Ông Trí đáp, thấy Novaland là đơn vị hàng đầu về triển khai dự án, lại có dòng tiền và năng lực nên muốn cùng “bắt tay” triển khai. Điều này ông thấy hợp lý do chỉ muốn làm phần thế mạnh của mình ở dự án là triển khai các hạ tầng y tế, giáo dục.

Sau khi bán dự án, ông Trí nhận 2.700 tỷ đồng (10% hợp đồng) thì Novaland ngưng trả vì khó khăn. Tự nhận là doanh nhân có kinh nghiệm, ông Trí khai “thông cảm” cho việc đối tác chưa trả hết tiền, trong bối cảnh thị trường bất động sản cùng khó khăn chung.

Ông cũng tự hào khi hai năm mình ở tù, dự án “vẫn chạy tốt”, đóng thuế gần 600 tỷ đồng và trả lương cho 6.000 người. “Tôi nói với gia đình và cộng sự, không bao giờ được từ bỏ, vì Đại Ninh là tâm huyết”, ông Trí khai.

Với các trình bày trên, ông Trí xin HĐXX: “Sau tất cả mọi chuyện, có thể có thiệt hại, có thể thu hồi, nhưng rất mong được tiếp tục dự án vì nó có lợi cho địa phương và Nhà nước về lâu dài”.

“Thế trên thực tế thì dự án đã triển khai thực tế được những gì? Hay tất cả mới ở trên giấy tờ?”, chủ tọa truy vấn.

Ông Trí giải thích đang vướng rất nhiều thủ tục rồi cắt đoạn, quay sang trình bày thêm về “tâm huyết” với dự án. Ngay lập tức, ông bị chủ tọa ngắt lời, đánh giá là “nói lòng vòng”.

Cựu Bí thư Trần Đức Quận (đứng) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Danh Lam

Tại phiên xét xử chiều 16/1, đại diện Công ty Sài Gòn Đại Ninh xin tòa cho công ty và các đối tác tiếp tục thực hiện dự án. Phía công ty phân trần những năm qua đã “vượt khó khăn” để tuân thủ các nghĩa vụ với Nhà nước, như: trồng, giữ hơn 56 hecta rừng dù chưa được cấp giấy chứng nhận; nộp 66 tỷ đồng đảm bảo thực hiện dự án với Sở Kế hoạch đầu tư.

Toàn bộ nghĩa vụ tài chính, công ty đã hoàn thành, gồm thuế đất, bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, thuế doanh nghiệp, VAT… chủ động nộp 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất để “thể hiện năng lực tài chính” và quyết tâm.

Ngoài ông Trí, vụ án còn có 9 người khác. Trong đó, cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng bà Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Hồng Giang, cựu Cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ, bị xét xử với cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

6 người bị truy tố tội Nhận hối lộ gồm: cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp; Lê Quốc Khanh, cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), Thanh tra Chính phủ; Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định, cựu Thanh tra viên chính Cục II; Nguyễn Ngọc Ánh, cựu Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng.

Hôm nay phiên tòa tiếp tục làm việc ngày thứ hai. TAND Hà Nội dự kiến xét xử trong 5 ngày, kể cả ngày nghỉ.