Sự thật clip mẹ ôm con khóc cầu cứu vì bị móc túi ở Bệnh viện Nhi đồng 2

Mới đây, trên các trang mạng xã hội lan truyền đoạn video về một người phụ nữ ôm con khóc, cầu cứu cộng đồng mạng trước cổng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM).

Báo Dân trí đưa tin “Sự thật clip mẹ ôm con khóc cầu cứu vì bị móc túi ở Bệnh viện Nhi đồng 2” với nội dung:

Trong video, người phụ nữ cho biết khoảng 4h30 ngày 10/2 đã dẫn con từ quê lên Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh. Khi ngồi chờ xe ngoài cổng bệnh viện, có hai người đến hỏi đường, đưa điện thoại cho nhìn vào một lúc thì không biết gì nữa.

Sau đó, người phụ nữ cho biết bị hai người dàn cảnh móc túi, mất hết số tiền 9,5 triệu đồng đã để dành khám bệnh cho con. Đoạn video nêu trên đã được lan truyền rộng và nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng cũng như người dân sống gần bệnh viện.

Hình ảnh cắt ra từ đoạn clip lan truyền trên mạng ngày 10/2 (Ảnh: BV).

Nhận thông tin, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chỉ đạo các bộ phận liên quan nhanh chóng phối hợp Công an Phường Bến Nghé (quận 1, TPHCM) trích xuất camera an ninh, điều tra làm rõ. Đồng thời, phía bệnh viện cũng chủ động tìm hiểu thông tin bệnh nhi.

Sau quá trình làm việc, ngày 11/2, bệnh viện đã nhận được thông tin từ Công an phường Bến Nghé. Theo đó, kết quả trích xuất camera của bệnh viện và các cơ sở kinh doanh xung quanh cho thấy, khoảng hơn 4h30 ngày 10/2, người phụ nữ trong đoạn clip bế một em bé đi từ cổng số 4 vào Bệnh viện Nhi đồng 2.

Gần 2 tiếng sau, người phụ nữ đi bộ sang đường ăn sáng rồi vào lại bệnh viện ở khu vực trước sảnh ngồi chờ khám, và hơn 30 phút sau thì mở điện thoại livestream.

Đến 12h37 cùng ngày, người phụ nữ qua đường ăn trưa và gần 1 giờ sau lại tiếp tục trở vào bệnh viện. Đến hơn 14h, người phụ nữ cùng em bé ra cổng số 5 của bệnh viện, bắt xe ôm công nghệ rời đi.

Khu vực dẫn vào khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định, thông tin đoạn clip chia sẻ trên mạng xã hội là hoàn toàn sai sự thật. Theo kết luận từ phía Công an phường Bến Nghé, không có sự việc dàn cảnh móc túi trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 vào sáng 10/2.

“Bệnh viện thông tin về vụ việc để tránh ảnh hưởng đến người dùng mạng xã hội. Mong người dân không tiếp tục chia sẻ đoạn video, cũng như không chuyển tiền vào số tài khoản do người phụ nữ đã cung cấp.

Phòng Công tác xã hội bệnh viện hiện là đầu mối tiếp nhận thông tin bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Thông tin đã qua xác minh và chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối cùng quý nhà hảo tâm, quý mạnh thường quân san sẻ yêu thương”, phía Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ.

 

Báo Người đưa tin chia sẻ “Người phụ nữ ôm con khóc nức nở trước bệnh viện ở TP.HCM lên tiếng khi bị tố lừa đảo, công an vào cuộc xác minh clip” với nội dung:

Liên quan đến vụ việc người phụ nữ ôm con khóc nức nở trước cổng bệnh viện Nhi Đồng 2, theo thông tin trên báo Thanh Niên cho biết, Công an P.Bến Nghé đã nắm được thông tin, phối hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 trích xuất camera an ninh, đồng thời kiểm tra hồ sơ xem bệnh nhi này có điều trị tại bệnh viện không.

Phòng công tác xã hội bệnh viện hiện chưa nhận được thông tin trình báo từ người phụ nữ này. Hiện vụ việc đang được Công an P.Bến Nghé khẩn trương xác minh, làm rõ.

Theo tìm hiểu được biết, người phụ nữ trong clip nói trên là bà HTX (ngụ xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk).

Hình ảnh bà X khóc nức nở được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM, của báo Pháp luật TP.HCM cho biết, bà X cho biết việc bà bị kẻ gian dàn cảnh hỏi đường, lấy tiền là thật, không hề dàn dựng.

Theo lời bà X, do con trai bị suy dinh dưỡng, ốm yếu, thể trạng kém nên hôm 10/2, bà đặt xe đưa con từ Đắk Lắk xuống TP.HCM khám bệnh. Tuy nhiên, khi vừa đến TP.HCM, bà bị hai người dàn cảnh hỏi đường rồi lấy sạch 9,5 triệu đồng mang theo.

Do hoàn cảnh khó khăn, không còn cách nào khác nên bà X khóc, quay clip kể lại sự việc và nhờ một người quen tìm cách hỗ trợ.

“Người quen đăng thông tin lên mạng, kêu gọi hỗ trợ mẹ con tôi. Sau khoảng 10 phút, tôi thấy tài khoản của mình có 12 triệu đồng nên nhờ xóa bài, không nhận hỗ trợ nữa vì đã đủ tiền khám bệnh cho con”, bà X nói.

Theo lời bà X, dù người quen của bà đã xóa bài nhưng nhiều người vẫn chuyển vào tài khoản của bà với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng. Sau đó, bà đưa con trai vào khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tối 10-2, bà đón xe về lại Đắk Lắk.

Nói về thông tin trên mạng xã hội cho rằng bà dàn cảnh lừa đảo, bà X liền phản bác. Theo bà X, bà không ngờ vụ việc của mình được nhiều người quan tâm, hỗ trợ như vậy.

Khi nhận thấy đã đủ tiền khám bệnh, bà liền nhờ người quen xóa bài kêu gọi, không muốn nhận thêm. “Nếu tôi lừa đảo, tham lam thì tôi không xóa bài mà cứ để vậy, có thể số tiền mọi người hỗ trợ sẽ rất nhiều nữa”, bà X phân trần.

Bà X nói thêm, khi có tiền hỗ trợ, bà để nguyên trong tài khoản và chỉ thực hiện chuyển khoản khi đăng ký khám bệnh cho con trai khoảng 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, bà có thanh toán tiền xe ôm, xe khách. Số tiền còn lại bà vẫn để nguyên và chưa sử dụng đến để chờ công an xác minh.

“Trước đây tôi làm ăn bị thua lỗ, nợ nần nhiều. Có thể vì lý do đó mà những chủ nợ nghi ngờ tôi lừa đảo và đưa thông tin không đúng. Hiện tôi đang chờ công an xác minh để trình bày rõ sự thật”, bà X nói.

Bà X. đăng tải hình ảnh hồ sơ khám bệnh của con trai tại bệnh viện lên MXH

Liên quan đến vụ việc trên, trong sáng ngày 11/2, tài khoản Facebook T.D. – được cho là của bà X. đã đăng tải dòng chia sẻ, kèm theo hồ sơ cùng giấy tờ chỉ định thăm khám cho con trai tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Bà X. cũng khẳng định dù có khổ, có nợ nần cũng sẽ không đem con trai ra để lừa đảo mọi người. “Em khổ thì em xin giúp đỡ. Em có nợ nần túng quẫn thì cũng không đưa con ra để lừa đảo lòng thương của mọi người đâu ạ. Em mất hết tiền em mới xin mọi người một ít để khám cho con thôi””, bà X chia sẻ thêm trên trang cá nhân.