VOV.VN – Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Việt Nam sẽ tắt sóng công nghệ 2G, nhưng ở tỉnh vùng cao Lào Cai vẫn còn không ít thuê bao trong diện khó chuyển đổi.
Qua rà soát của 3 nhà mạng lớn ở Lào Cai, toàn tỉnh hiện vẫn còn 20.000 thuê bao 2G only đang hoạt động mà chưa chuyển đổi được. Trong đó, 2/3 thuê bao thuộc nhà mạng Viettel, còn lại của VinaPhone và MobiFone.
Tư vấn cho bà con vùng cao cách thức chuyển đổi sau khi tắt sóng 2G
Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kinh doanh của Viettel Lào Cai cho biết, tỷ lệ thuê bao 2G còn tồn lại của Viettel Lào Cai chỉ chiếm 5%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung là 12% của toàn quốc. Tuy nhiên, chủ sở hữu của nhóm này đa phần là những người cao tuổi hoặc bà con sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn khó khăn, thu nhập hầu hết dựa vào nông nghiệp.
“Tâm lý của người dân là chưa dừng thì họ chưa thay đổi, vì máy hiện tại của họ vẫn đang dùng tốt. Thứ hai còn phụ thuộc yếu tố mùa vụ, vào mùa gặt, bà con có thu nhập họ cũng sẵn sàng chi trả hơn”, bà Thủy chia sẻ..
Còn theo bà Đậu Ái Loan, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Lào Cai, sau rất nhiều nỗ lực, VinaPhone Lào Cai lọt trong top 5 toàn quốc về tỷ lệ chuyển đổi thuê bao 2G sang 3G, 4G, nhưng nhóm khách hàng còn lại chỉ chưa đầy 4.000 thuê bao lại vô cùng nan giải dù nhà mạng đã áp dụng đủ biện pháp. Họ thuộc nhóm “gọi không nghe”, “nhắn tin không đọc”, “vận động không thực hiện”, cộng với nhiều trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo nên ngay cả khi nhà mạng đã miễn phí đổi sim, trợ giá hết mức để mua điện thoại mới nhưng vẫn khó khả thi.
“Chúng tôi cũng chờ nguồn kinh phí viện trợ từ Bộ Thông tin Truyền thông (theo Thông tư 14 của Bộ năm 2022) mà mãi vẫn chưa thấy. Cũng rất mong tỉnh Lào Cai cũng có chính sách đặc biệt để hỗ trợ thêm cho đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa để bà con có thông tin, liên lạc được thông suốt. Đồng thời, mong các cấp chính quyền ở huyện, xã cùng vào cuộc để cùng doanh nghiệp tuyên truyền, ủng hộ, giúp đỡ bà con”, bà Loan cho hay.
Một điểm hỗ trợ chuyển đổi giúp bà con vùng cao
Theo ông Nguyễn Tiến Ngọc, Giám đốc MobiFone Lào Cai, song song với vận động chuyển đổi, thời gian qua, nhà mạng này cũng đã tiến hành tắt dần sóng 2G ở những khu vực không còn phát sinh dịch vụ. Đến nay, thuê bao sử dụng dịch vụ di động 2G của MobiFone ở Lào Cai chỉ còn khoảng 5% chưa chuyển đổi, nhưng để tắt toàn bộ sóng vào 16/9 tới theo lộ trình cũng rất khó khăn.
“Mỗi khách hàng chúng tôi đều trân trọng. Đặc biệt, chúng tôi còn một số khách hàng ở vùng sâu vùng xa, hay thuộc trong nhóm yếu thế trong xã hội. Do đó, rất mong các cơ quan quản lý xem xét gia hạn thời hạn tắt sóng để chúng tôi có thời gian chuyển đổi nốt số khách hàng còn lại”, ông Ngọc kiến nghị.
Ngày 23/8 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai đã họp, trao đổi với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn về lộ trình tắt sóng 2G.
Theo đó, bên cạnh việc cần vận động người dân chuyển đổi thuê bao, thiết bị sang 3G, 4G, các trạm phát sóng mới thay thế công nghệ 2G cũng cần bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, theo báo cáo từ các đơn vị, phạm vi phát sóng sau khi tắt 2G sẽ bị thu hẹp lại, ảnh hưởng tới việc sử dụng dịch vụ của khoảng 2.000 thuê bao.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai họp với các doanh nghiệp viễn thông về lộ trình tắt sóng 2G
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, cộng thêm 6 thôn, bản Lào Cai đang trống sóng di động từ trước sẽ là những nhiệm vụ phải khẩn trương hoàn thành, bảo đảm mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kì là đến năm 2025 sẽ phủ sóng di động đủ 100% thôn, bản. Các doanh nghiệp cũng cần khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện theo đúng lộ trình chung.
“Trong trường hợp còn nhiều thuê bao chưa chuyển đổi được, các đơn vị khó khăn trong việc tắt sóng 2G, về mặt thủ tục các đơn vị cần báo cáo với doanh nghiệp chủ quản để làm việc với các cơ quan như Cục Tần số vì liên quan đến thủ tục cấp phép phát sóng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng còn phải báo cáo với các cơ quan như Cục Viễn thông, Bộ Thông tin Truyền thông để cho phép gia hạn thời gian chuyển đổi”, ông Quang cho biết.
Trong giai đoạn chuyển đổi “nước rút”, các nhà mạng cũng có nhiều chương trình khuyến mãi, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi thuê bao, thiết bị. Ông Nguyễn Hồng Quang cho biết, việc các doanh nghiệp chủ động phục vụ người dân rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, Sở cũng sẽ phối hợp với ngành Công thương định hướng, kiểm soát, tránh xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, người tiêu dùng. Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp cung ứng thiết bị trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh để người dân “tiền mất, tật mang”.