Loại cây mọc hoang ở Việt Nam được săn đón: Vừa đẹp, vừa “nuốt” bụi mịn, lọc sạch không khí trong nhà

Loại cây mọc hoang ở Việt Nam được săn đón: Vừa đẹp, vừa “nuốt” bụi mịn, lọc sạch không khí trong nhàĐây là loại cây thường được trồng làm cảnh trong các văn phòng, công sở, gia đình.Cây cảnh giúp lọc sạch không khí

Ngũ gia bì là loại cây mọc hoang ở nhiều địa phương miền Bắc nước ta, hay gặp nhất là ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hoà Bình, Tuyên Quang.

Gần đây, ngũ gia bì rất được ưa thích, được xếp vào loại là cây cảnh đẹp, cao cấp, đắt tiền.

Ngũ gia bì là loại cây được chưng ở văn phòng, thích hợp với khí hậu nóng ẩm của nước ta, chịu bóng, chịu hạn.

BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho hay cây ngũ gia bì hay còn được gọi là: ngũ gia bì chân chim, Sâm non, Sâm nam, là một loại cây quý, thường được trồng trang trí nội thất, đại sảnh, phòng khách, hành lang, sân vườn…

Cây thuộc loài thân gỗ nhỏ, có nhiều cành nhánh, lá kép xòe hình chân vịt. Hoa nhỏ màu trắng mọc thành chùm tán.

“Cây ngũ gia bì là loại thường xanh quanh năm, có tác dụng chữa nhiều bệnh. Ngũ gia bì còn là loại cây được đánh giá giúp lọc không khí, bụi mịn tốt trong không gian kín (gia đình, văn phòng)”, bác sĩ Vũ nói.

Một số nghiên cứu trong nước đã chỉ ra rằng cây này có khả năng hấp thụ các chất độc hại như formaldehyde, toluene và benzene từ không khí, góp phần cải thiện chất lượng không khí trong nhà.

 - Ảnh 1.

Cây ngũ gia bì chân chim

Tác dụng tốt cho sức khoẻ của ngũ gia bì

Cây ngũ gia bì giúp không gian trở nên tươi tắn, tạo cảm giác thư thái, minh mẫn cho chủ nhân. Cây còn giúp đuổi muỗi trong không gian sống do có thành phần hóa học của tinh dầu, có nhiều hợp chất hữu cơ như caryophyllene, alpha-selinene và beta-myrcene, có thể có tác dụng kháng khuẩn và xua đuổi côn trùng, bác sĩ Vũ thông tin.

Ngoài tác dụng làm cảnh, lọc không khí trong nhà ngũ gia bì còn là một vị thuốc có tác dụng chữa bệnh.

Theo Y học cổ truyền, ngũ gia bì chủ trị các chứng đau phong thấp, lưng gối mỏi yếu, phù thũng, tiểu tiện ít.

Vào mùa hạ hay mùa thu, ngũ gia bì sẽ được thu hoạch rễ, bỏ gỗ, lấy vỏ phơi dùng để sống hoặc sao vàng sắc uống chữa bệnh.

Bác sĩ Vũ cho biết, ngũ gia bì làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh, còn có tên là Xuyên Gia bì, Thích gia bì, Nam gia bì.

Đông y coi ngũ gia bì là một vị thuốc có tác dụng mạnh gân cốt, chủ trị đau bụng, yếu chân, tăng trí nhớ, ngâm rượu uống rất tốt. Theo tài liệu cổ, ngũ gia bì vị cay, tính ôn vào 2 kinh can và thận. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

Trong dân gian, người dân dùng ngũ gia bì sao vàng 100g, rượu 1 lít. Ngâm trong 10 ngày, thỉnh thoảng lắc đều ngày uống một cốc con vào buổi tối trước bữa cơm chiều, chữa đau người, đau lưng, đau xương.

Ở một số nơi, người dân dùng vỏ sắc uống hay ngâm rượu vì cho rằng vị thuốc làm cho ăn ngon hơn, dễ tiêu.

Phụ nữ bị lao lực, bị mệt mỏi, hơi thở ngắn, sốt, ra nhiều mồ hôi, không muốn ăn uống dùng ngũ gia bì, mẫu đơn bì, xích thược, đương quy, mỗi vị 40g tán nhỏ. Ngày uống hai lần, mỗi lần 4g giảm các tình trạng mệt mỏi.

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, ngũ gia bì là cây cảnh nên trồng trong gia đình, có tác dụng tốt cho không khí trong nhà và làm dược liệu chữa bệnh.