Bão số 3 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất về tốc độ gió trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Chỉ trong vòng 48 tiếng khi đổ bộ vào Biển Đông, bão đã tăng lên cấp cuồng phong.Cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, siêu bão Yagi (bão số 3) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Mưa lớn do hoàn lưu của bão số 3 gây ngập lụt ở 20/25 tỉnh, thành miền Bắc.
Bão Yagi cũng là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.
Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường.
Trong khi thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13. Và điểm đặc biệt nữa là thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ).
Vị trí và đường đi của bão số 3 (Ảnh: Cục khí tượng thuỷ văn).
Chia sẻ cụ thể hơn trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bão số 3 là cơn bão (mang tính) lịch sử “vì có những điều chưa từng xảy ra” trong lịch sử. “Có thể nói đây là một trận cuồng phong, không còn là một cơn bão”, ông nhận định.
Theo phân tích của ông Hiệp, đây là cơn bão mạnh nhất về tốc độ gió trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Chỉ trong vòng 48 tiếng khi đổ bộ vào Biển Đông, bão đã tăng liền 4 cấp – lên cấp cuồng phong (siêu bão).
Đây là cơn bão đầu tiên với sức gió giật cấp 15, đổ bộ vào Việt Nam (cụ thể là Hải Phòng, Quảng Ninh).
Thứ trưởng nói, thông thường bão khi đổ vào đất liền sẽ di chuyển 15 – 20km/giờ, nhưng cơn bão này đứng yên tại Hải Phòng, Quảng Ninh hơn 5 tiếng đồng hồ, không di chuyển, sức tàn phá rất lớn. “Chúng tôi cứ nghĩ bão tan rồi nhưng nó vẫn tiếp tục”, ông Hiệp kể lại.
Bão số 3 gây mưa rất lớn trên diện rộng
Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc bộ. Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan; trong đó, có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200 mm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ (tại thành phố Yên Bái, đêm 9/9).
Lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại nặng nề về người và của (Ảnh: Cục khí tượng thuỷ văn).
Trong các phiên họp thảo luận trực tuyến của cán bộ Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia với các chuyên gia quốc tế thuộc Trung tâm Dự báo bão khu vực của Nhật Bản và cơ quan Khí tượng Trung Quốc đều chung nhận định về đặc điểm bất thường của bão số 3 và mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra ở Vịnh Bắc Bộ, vùng Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực phía Nam Trung Quốc.
Do mưa lớn, từ ngày 8/9, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long… đều vượt báo động 3 (BĐ3), một số sông vượt BĐ3 từ 3÷4m.
Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m (16h ngày 10/9), trên mức BĐ3 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m. Cùng với đó, lũ trên Hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập.
Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình – hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Theo thống kê có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
Trước những biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các đợt điều tra, khảo sát, tình hình ngập lụt và tại các vị trí đã và đang xảy ra hiện tượng trượt, sạt lở đất đá; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất để cảnh báo.
Rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ chứa trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tính huống bất thường, khẩn cấp, kịch bản biến đổi khí hậu,… khi đủ điều kiện thì điều chỉnh Quy trình vận hành theo hướng thời gian thực.
Nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường.