Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia cảnh báo

Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?

Sáng nay (23/10), giá vàng nhẫn lại tiếp tục tăng mạnh, thậm chí vượt mốc 88 triệu đồng/lượng, bám sát vàng miếng SJC tăng lên 89 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng nhẫn hiện đã lên mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước hiện đang ảnh hưởng do vàng thế giới tăng mạnh, trong bối cảnh xung đột Israel – Hezbollah chưa có chiều hướng dừng lại, đồng thời Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn vẫn đang đầu chu kỳ nới lỏng.

Ở thị trường thế giới, giá vàng cũng tăng cao kỷ lục. Cụ thể, trong phiên giao dịch hôm nay (23/10), vàng giao dịch ở mức là mức 2.749,82 USD/ounce, sau khi đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.750,21 USD vào đầu phiên. Đặc biệt, giá vàng tương lai của Mỹ đạt 2.764,00 USD, tức là tăng 0,2%.

Ông Michael Langford, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý tài sản Scorpion Minerals, cho biết: ” Cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đều đề xuất những chính sách có thể gây lạm phát. Điều này sẽ rất có lợi cho vàng. Dù một số chính sách đã có tính đến yếu tố này nhưng nó sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá cao hơn “.

Theo một cuộc thăm dò mới của tờ Reuters , Phó Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Kamala Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump, với tỷ lệ 46% so với 43%.

Đồng quan điểm, sau khi giá vàng tăng lên mốc cao kỷ lục mới là 2.700 USD/ ounce vào ngày 21/10, ông Paul Wong, chiến lược gia thị trường tại Sprott Asset Management, nhấn mạnh rằng: ” Vàng đã bước vào một chu kỳ tăng giá mới. Điều này được thúc đẩy bởi những yếu tố như hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương, nợ công của Mỹ tăng cũng như những khả năng đạt đỉnh của đồng USD “.

Ông Paul Wong chia sẻ thêm rằng, tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ tăng thường dẫn tới giá vàng tăng cao. Nguyên nhân là do lo ngại về tính bền vững của nợ, cũng như phá giá tiền tệ và tiền tệ hóa nợ.

Trên thực tế, văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự kiến nợ công tăng từ 98% GDP (năm 2023) lên 181% GDP vào năm 2053, mức cao nhất trong lịch sử nước này. Theo đó, khi nợ công tăng, các chính phủ có khả năng sẽ phải in thêm tiền nhằm giải quyết thâm hụt. Điều này dẫn tới tình trạng mất giá tiền tệ. Theo ông Paul Wong, diễn tiến này cũng là tăng sức hấp dẫn của vàng.

 - Ảnh 1.

Xung đột ở Trung Đông và sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ khiến giá vàng thế giới tăng cao. Ảnh minh họa

Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, sức ép lạm phát dai dẳng cùng với điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn đang làm ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu. Việc này cho thấy các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư có nhiều khả năng tiến hành phân bổ nguồn đầu tư vào vàng.

 

Theo thông tin từ Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng ròng mà các ngân hàng trung ương mua trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng lên 483 tấn, cao hơn 5% so với kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái.

Giá vàng sẽ tiếp tục tăng mạnh? - Ảnh 3.

Các chuyên gia dự báo rằng, giá vàng vẫn sẽ tăng trong thời gian tới. Ảnh: Getty Images