GĐXH – Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ áp dụng các dạng câu hỏi trắc nghiệm mới và cách tính điểm không còn cào bằng như đã áp dụng từ năm 2008 đến nay.
Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ngoài môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn học khác đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Trong đó, môn Ngoại ngữ vẫn duy trì hình thức câu hỏi trắc nghiệm truyền thống như các năm trước.
Các môn Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.
Cụ thể, ngoài câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn còn có 2 dạng thức mới: câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai và trả lời ngắn.
Ở dạng thức câu hỏi đúng/sai, thang điểm không còn chia đều. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai, thí sinh lựa chọn đúng 1 ý trong một câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; đúng 2 ý trong một câu hỏi được 0,25 điểm; đúng 3 ý trong một câu hỏi được 0,5 điểm; đúng cả 4 ý trong một câu hỏi được 1 điểm. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Còn câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 – 0,5 điểm.
Cả 2 dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.
Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2024 trở về trước, những môn thi theo hình thức trắc nghiệm chỉ có một dạng câu hỏi và tùy vào số câu hỏi của mỗi đề, thang điểm sẽ được chia đều. Dù câu hỏi dễ hay khó, thông hiểu hay vận dụng thấp hoặc cao đều cùng chung mức điểm.
Từ 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT với bốn môn. Hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn còn lại, thí sinh chọn trong các môn đã học ở THPT, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (7 thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc, đề minh hoạ các môn thi tốt nghiệp năm sau. Bộ GD&ĐT cho biết, cấu trúc đề đã được thử nghiệm tại một số tỉnh, thành. Các chuyên gia nhận định cách tính điểm phần trả lời đúng/sai áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại. Mỗi câu hỏi có trọng số điểm riêng, câu khó được điểm cao hơn câu dễ. Vì thế, câu mà phần lớn học sinh có thể trả lời đúng chỉ chiếm 0,1 điểm. Câu hỏi khó tăng dần, tương ứng nhiều điểm hơn, và câu cuối cùng khó nhất chiếm 0,5 điểm. Điều này giúp phân loại thí sinh giỏi, khá, trung bình.
Cách này học hỏi từ các kỳ thi như quốc tế như SAT, PISA, nhằm đảm bảo công bằng. Bộ GD&ĐT đã tính toán kỹ khi 4 ý trong một câu theo cấp độ từ dễ đến khó, trả lời đúng bất kỳ một ý nào cũng chỉ được 0,1 điểm. Điều này chống đoán mò, bởi các ý hỏi thường có sự liên kết, không trả lời được câu dễ thì khó làm được câu khó, trừ khi “ăn may”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, xác suất đánh ngẫu nhiên mà đạt điểm tối đa ở phần câu hỏi đúng/sai là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng trắc nghiệm nhiều phương án hiện nay. Điều này hợp lý, tránh tình trạng mưa điểm 10. Để đạt điểm tuyệt đối, thí sinh phải có năng lực, kiến thức và kỹ năng toàn diện.