“Nữ quái” cầm đầu đường dây lừa đảo hàng chục tỉ đồng từ Bắc vào Nam

Tư vấn lôi kéo, dụ dỗ khách hàng đăng ký chuyển tiền vào các sàn để giao dịch ngoại hối, Hồ Bích Ngọc cùng đồng phạm đã lừa đảo hàng chục tỉ đồng

Chiều 10-12, Công an TP Hà Nội thông tin về kết quả triệt phá, đấu tranh chuyên án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với “bình phong” là các công ty tài chính, chứng khoán.

Bị can Hồ Bích Ngọc

Theo Công an Hà Nội, năm 2020, Hồ Bích Ngọc (28 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên hệ với một đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) để được cung cấp thông tin về 3 sàn giao dịch ngoại hối. Ba sàn này được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5, là nền tảng giao dịch ngoại hối phổ biến trên thế giới.

Sau đó, Ngọc đăng ký thành lập Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn đầu tư Master Group (trụ sở tại số 24 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) và mở 3 văn phòng trên địa bàn Hà Nội. Cơ quan điều tra xác định công ty này chỉ là “bình phong”, không đăng ký hoạt động trên lĩnh vực tài chính – chứng khoán nhưng vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối, chứng khoán phái sinh.

Theo Công an Hà Nội, các bị can tuyển dụng và phân công, phân cấp quản lý nhân viên theo các bộ phận: Quản lý, kế toán – hỗ trợ, trưởng nhóm và các nhân viên sale.

Trong đó, nhân viên sale chủ động tìm các khách hàng có tiềm năng về tài chính ở trong các nhóm đầu tư bất động sản, chứng khoán, ngoại hối lớn trên Facebook, Zalo… Sau đó, chúng tiếp cận, lồng ghép các thông tin sai sự thật để giới thiệu về thị trường tài chính vĩ mô, giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh; giới thiệu các “chuyên gia” về giao dịch (thực thế đều không có kiến thức về tài chính) để hướng dẫn, tư vấn; thôi thúc ham muốn đầu tư, kiếm lợi nhuận của khách hàng. Từ đó, các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ khách hàng đăng ký tài khoản tại các sàn giao dịch nêu trên, chuyển tiền vào các sàn để giao dịch ngoại hối.

Các đối tượng đưa các nhận định về thị trường ngoại hối không có kiểm chứng, tư vấn khách hàng đặt nhiều lệnh với mức độ rủi ro cao. Khi khách hàng thua lỗ, nhóm đối tượng sẽ củng cố tinh thần, niềm tin cho khách hàng về việc tiếp tục nạp thêm tiền để gỡ vốn và kiếm lợi nhuận. Đến khi khách hàng không còn khả năng nạp tiền, các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.

Bước đầu, Công an Hà Nội xác định được 22 bị hại tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, TP HCM, với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 16 tỉ đồng.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã tạm giữ 4 ôtô, 85 điện thoại di động, 30 máy tính và gần 3,4 tỉ đồng.

Công an Hà Nội đã khởi tố 33 bị can về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.