Không khí lạnh hoạt động mạnh, xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại 1 tháng tới

Không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn trong 1 tháng tới, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại, nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 1 tháng qua (11/11-10/12), đã xuất hiện 2 đợt không khí lạnh vào các ngày 26/11, 6/12. Trong đó, đáng lưu ý đợt không khí lạnh trong ngày 6/12 vừa qua gây trời rét cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ở khu vực Bắc Bộ trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại, có nơi dưới 10 độ như: Sa Pa (Lào Cai) 9,3 độ, Đồng Văn (Hà Giang) 8,1 độ, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 9 độ, Trùng Khánh (Cao Bằng) 9,5 độ, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 5,1 độ,…

Dự báo trong thời kỳ 1 tháng tới (11/12-10/1/2025), không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.

W-ret-sapa-hoanh-anh-hha-1.jpgKhông khí lạnh hoạt động mạnh trong 1 tháng tới, khả năng xảy ra rét đậm, rét hại và băng giá. Ảnh minh họa: Hoàng Minh

Đây cũng là thời kỳ khu vực Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to diện rộng; khu vực Nam Bộ có khả năng còn xuất hiện các đợt mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Ở các tỉnh phía Nam, tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngoài ra, trong 1 tháng này, bão/áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông cũng như ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ 11/12/2024-10/1/2025, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền. Trên đất liền, không khí lạnh có thể gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền Bắc, nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc.

Miền Bắc bắt đầu chuyển rét, Trung và Nam Trung Bộ mưa lớn

Chiều nay (11/12), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực phía Đông Bắc Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Khoảng chiều tối và đêm nay, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sau đó đến một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Đáng lưu ý, từ đêm 12/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường và ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4.

Được dự báo là đợt không khí lạnh mạnh và tăng cường liên tiếp nên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ trời rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm; trong đó nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ từ 14-17 độ, vùng núi 11-14 độ, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ; ở Bắc Trung Bộ 16-19 độ.

Thời tiết Hà Nội từ đêm nay và sáng mai (12/12) có lúc có mưa nhỏ; trời rét với nền nhiệt thấp nhất 15-17 độ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ chiều tối nay đến khoảng 15/12 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to; khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào.

Cụ thể, hôm nay, ở khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to và rải rác có giông, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 7-15h có nơi trên 100mm như: Chi cục thủy lợi (Đà Nẵng) 107mm, Câu Lâu (Quảng Nam) 139mm, Hòa Xuân Nam (Phú Yên) 199.8mm, Đại Lãnh (Khánh Hòa) 164.7mm,…

Dự báo từ chiều tối nay đến 13/12, từ Quảng Trị đến Khánh Hoà lượng mưa 70-160mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/6h). Từ đêm 13 và ngày 14/12, khu vực này tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Ngoài ra, từ chiều tối nay đến ngày mai, ở khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-20mm, cục bộ có nơi trên 40mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; khả năng xảy ra ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.