Đêm ở Làng Nủ trước ngày khánh thành khu tái định cư: “Gần như nhà nào ông trời cũng để lại một người còn sống đấy chú à…”

Sáng ngày 22/12 sẽ diễn ra lễ khánh thành khu tái định cư Làng Nủ. Trước đó, từ ngày 15/12 những hộ dân chịu ảnh hưởng của cơn lũ quét kinh hoàng đã được chuyển về sinh sống tại nhà mới, trong khu tái định cư do Binh đoàn 12 xây dựng.

Báo Đời sống Pháp luật ngày 22/12 đưa thông tin với tiêu đề: “Đêm ở Làng Nủ trước ngày khánh thành khu tái định cư: “Gần như nhà nào ông trời cũng để lại một người còn sống đấy chú à…”” cùng nội dung như sau:

Khu tái định cư Làng Nủ trước ngày khánh thành

Đây là lần thứ 3 tôi tới Làng Nủ, 3 chuyến công tác ở 3 mốc thời gian khác nhau, vẫn những con người ấy nhưng nỗi tang thương, mất mát giờ đây không còn hiện hữu một cách trực diện và mạnh mẽ như trước, người dân Làng Nủ vẫn bình dị, nơi này trở nên êm ả. Xung quanh tôi, núi đồi cũng như cởi mở hơn so với hơn 2 tháng trước khi cơn lũ mới quét qua.

Hình ảnh khu tái định cư Làng Nủ chiều ngày 21/12.

Trung tâm khu tái định cư là nơi đặt nhà văn hóa thôn và trường mầm non, bọn nhỏ lúc nào cũng ồn ã nhưng trong trẻo, các mẹ các chị chạy quanh sắm sửa cho lễ ngày mai. Mỗi người một việc, mọi thứ hôm nay diễn ra nhanh hơn, ai ai cũng tất bật.

Chiều ngày 21/12, đặt chân tới khu tái định cư Làng Nủ, khác hẳn so với hơn một tháng trước có mặt ở đây, những luống rau đã xanh mởn, hoa trong vườn cũng bắt đầu trổ bông, người dân Làng Nủ đã dọn về nơi ở mới được gần 1 tuần, hôm nay Làng Nủ đông người hơn, nhân dân và quân đội cùng nhau chuẩn bị cho lễ khánh thành khu nhà mới vào sáng hôm sau.

 

Những khu trưng bày sản vật đặc trưng của địa phương được dựng lên, tiếng cười nói rôm rả ở phát ra ở khu vực trung tâm, có lẽ đã bắt đầu có chỗ trống để niềm vui và nụ cười được bước qua những cánh cửa ở ngôi nhà mới của người dân nơi đây.

Đi ra xa hơn về phía đồi cao, tôi bắt gặp một nhóm chừng 10 người đang cùng nhau đi dạo, ngắm những ngôi nhà mới, vài người nói vui “ừ đúng là có nhà như này trong mơ cũng không nghĩ tới, nhà mới đẹp quá”.

Chị Hoàng Thị Sắm hôm nay qua dọn dẹp nhà cho người thân, xin phép được hỏi chị đôi lời về nơi ở mới, đôi mắt bỗng đỏ hoe, chị chẳng nói được gì nhiều, “cảm ơn nhà nước, cảm ơn các bác chính quyền và những người tới đây giúp đỡ bà con”.

Ở căn nhà số 19, tôi gặp lại chị Hoàng Thị Bóng, 2 tháng hai chị em gặp nhau ở khu tạm cư, cuộc trò chuyện của chị Bóng và người em dâu cứ làm tôi nhớ mãi, “2 chị em mình bây giờ nhổ tóc sâu cho nhau, ngày xưa nhỉ, mình toàn được chồng nhổ tóc sâu cho” chị Bóng nói, cười và khóc cùng lúc.

“Chị Bóng có nhà không, có nhớ em không, hôm nay có mời em ở lại ăn cơm với chị nữa không” “Chú đấy à, chị đang gấp chăn màn, hôm nay về đây ngày đầu chú ạ, nhà mới đẹp lắm, ngày xưa chị cũng xây nhà kiên cố rồi, mà chưa đẹp được như này”, “Chị độ này đã ngủ được chưa?, ngủ có ngon không?” “Nói thật với chú, 3 tháng nay hay khóc lắm, mấy hôm nay cũng ngủ lại được rồi, hôm nay ở lại ăn cơm nhé”.

Chồng chị Bóng đã mất trong trận lũ quét hồi tháng 9, con gái chị hôm nay đưa cháu về, nhà chị có 3 giường ở được cả 5,6 người, tối nay gia đình quây quần bên nhau, “Qua mùa hoa tới là chị đưa anh về đây, con trai với vợ nó đang mang cơm ra cho anh”.

Mỗi khi dọn về nhà mới, đồng bào dân tộc Tày tin rằng nhóm một đống lửa cháy 1 ngày 1 đêm sẽ xua đổi những điều xấu xa, những thứ không tốt để mang về sự ấm cúng cho nơi ở mới. Hôm nay con gái chị Bóng là Hoàng Thị Lành cũng nhóm một đống lửa to ở dưới nhà.

Cuối ngày tôi gặp thầy cúng của thôn, thầy Voi nói: “Mất mát lớn quá khó bù đắp lắm, các chú tới đây rồi chắc chú cũng hiểu, nhưng gần như nhà nào ông trời cũng để lại một người còn sống đấy chú ạ”.

Trước đó, báo Lao Động ngày 21/12 cũng có bài đăng với thông tin: “Làng Nủ lại trở thành tâm điểm về ấm áp tình người”. Nội dung được báo đưa như sau:

Sự kiện 3 hộ dân làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) từ chối nhận nhà tái định cư vì không còn người thân là một câu chuyện đẫm nước mắt nhưng cũng đầy nhân văn, mang đến cho chúng ta nhiều day dứt suy ngẫm.

Trận lũ quét rạng sáng ngày 10.9 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân làng Nủ, để lại cảnh tượng tan hoang cùng những mất mát không thể đong đếm được.

Với những gia đình như chị Nguyễn Thị Sành, anh Nguyễn Xuân Dương, hay chị Sầm Thị Nhiên, nỗi đau còn nhân lên nhiều lần khi thảm họa không chỉ cướp đi mái nhà, mà còn lấy đi toàn bộ những người thân yêu của họ.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng khu tái định cư tại làng Nủ là hành động kịp thời và đầy ý nghĩa – một biểu tượng cho sự hồi sinh. Chỉ trong 68 ngày, Binh đoàn 12 đã hoàn thành 40 căn nhà mới, sẵn sàng bàn giao cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, lại có một câu chuyện khác về làng Nủ, khi đại diện 3 hộ dân là chị Nguyễn Thị Sành, anh Nguyễn Xuân Dương và chị Sầm Thị Nhiên quyết định từ chối nhận nhà với một lý do chết lặng: họ không còn người thân để ở cùng, để gọi là “nhà” nên quyết định nhường cho những người khác có hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình!

Hành động này không đơn thuần là lòng tự trọng, mà cao hơn cả là tinh thần sẻ chia. Họ hoàn toàn xứng đáng với những ngôi nhà mới này, nhưng vẫn quyết định nhường lại cho người khác.

Cao hơn cả sự tôn nghiêm của bản thân, 3 lá đơn từ chối nhận nhà là ví dụ sâu sắc nhất, tô đậm thêm cho truyền thống “lá lành đùm lá rách” và “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của người Việt mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chuyện đại diện 3 hộ dân ở làng Nủ viết đơn từ chối nhận nhà tái định cư, dù với lý do gì cũng là một bài học lớn về tình người, về ánh sáng của lòng nhân ái thoát thai từ những bi kịch của đời sống.

Những người như chị Sành, anh Dương, hay chị Nhiên dù mất mát tất cả, vẫn chọn cách lan tỏa hy vọng cho những người quanh mình và cả cộng đồng.

Chỉ mấy tháng trước, làng Nủ là tâm điểm của truyền thông cả nước về sự đau thương, mất mát không lời nào tả hết mà thiên tai đã gây ra cho con người.

Làng Nủ cũng là tâm điểm của câu chuyện “nghĩa đồng bào” khi người dân cả nước, những Mạnh Thường Quân, chính quyền địa phương đã rất nhanh chóng, đồng lòng đồng sức cùng nhau tái thiết một làng Nủ mới để những người dân còn sống sót sau thiên tai có nơi an cư lạc nghiệp.

Một lần nữa, làng Nủ trở thành tâm điểm của tình người và lòng nhân ái, thể hiện tinh thần nhường nhịn, sẻ chia trong hoạn nạn – đúng như hình tượng trong một câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”!