Từ 15/2/2025, phạt tới 200 triệu đồng nếu vi phạm quy định về bồi thường bảo hiểm

Từ ngày 15/2/2025, hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra có thể bị phạt tiền lên tới 200 triệu đồng…

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bị phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bị phạt tiền và buộc khắc phục hậu quả.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2025.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; tổ chức, cá nhân vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó còn có hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn.

PHẠT NẶNG NẾU VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, TRẢ TIỀN BẢO HIỂM

Nghị định nêu rõ, hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền như sau.

Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt dưới 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 20 triệu đồng.

Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 10 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 15 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm của pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà số tiền chiếm đoạt dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 400 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm buộc hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt.

Nếu bên bán không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.

PHẠT CAO NHẤT 100 TRIỆU ĐỒNG VỚI HÀNH VI ÉP MUA BẢO HIỂM

Nghị định cũng quy định rõ về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về cung cấp sản phẩm bảo hiểm.

Theo đó, phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vi phạm một trong bốn hành vi sau.

Thứ nhất, không cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 98/2022/QH15.

Thứ hai, không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Thứ ba, không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Thứ tư, đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm, quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm. Buộc giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua.

QUẢNG CÁO SẢN PHẨM BẢO HIỂM NHÂN THỌ PHẢI TRUNG THỰC

Nghị định cũng quy định rõ về xử phạt đối với hành vi quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật; vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau.

Một, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm không đáp ứng quy định pháp luật.

Hai, tài liệu tóm tắt quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe không theo quy định pháp luật.

Ba, tài liệu minh hoạ bán hàng của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật.

Bốn, bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe không theo quy định pháp luật.

Năm, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sản phẩn bảo hiểm sức khỏe không theo quy định pháp luật.

Sáu, thông tin, quảng cáo về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định của pháp luật.

Bảy, thực hiện không đúng quy định pháp luật về nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe.