Nơm nớp lo bị phạt oan vì dính ‘bẫy đèn đỏ’

Đèn xanh chuyển thẳng sang đỏ ngay khi xe vừa chạm vào vạch giới hạn ở giao lộ, bạn tôi đi tiếp hay dừng lại cũng đều dính lỗi.

Nói về những lo lắng của tài xế khi có thể ‘bị oan với mức phạt mới quá nặng‘ của Nghị định 168, gấp nhiều lần trước đây, nhiều người nói “cứ đi đúng luật, không vi phạm luật giao thông thì lo gì bị phạt, có gì phải than vãn vì mức phạt cao”. Tuy nhiên, thực tế, nỗi lo ấy không phải không có cơ sở khi hệ thống hạ tầng giao thông ở nhiều nơi vẫn còn khá bất cập.

Tôi đi đường, để ý thấy khá nhiều đèn giao thông vẫn theo kiểu đang xanh nhảy thẳng qua đỏ chứ không có bước đèn vàng để tài xế chuẩn bị. Bạn tôi có lần đang lái xe thì đèn tín hiệu bỗng chuyển thẳng từ xanh sang đỏ ngay khi xe vừa chạm vào vạch giới hạn ở giao lộ, buộc anh phải thắng gấp. Cũng may là lúc đó đường vắng, không có xe chạy sát phía sau.

Bạn từng dính “bẫy đèn đỏ” khi lái xe trên đường?

Trong trường hợp này, tài xế chỉ có một trong hai cách xử lý: hoặc nhấn ga chạy luôn (nhưng sẽ phạm lỗi vượt đèn đỏ) hoặc thắng gấp như anh bạn tôi (chấp nhận nguy hiểm nếu có xe phía sau, nhưng vẫn phạm lỗi dừng quá vạch giới hạn). Tức là đôi khi xử lý thế nào bạn cũng vẫn có nguy cơ bị phạt.

Tất nhiên, sẽ có người nói, nếu rơi vào các trường hợp như thế thì có thể khiếu nại để thay đổi quyết định xử phạt. Nhưng câu chuyện ở đây còn liên quan đến thời gian, công sức mà người vô tình bị phạt phải bỏ ra để tìm cách minh oan cho mình. Chưa kể nếu chỉ dựa vào hình ảnh cũng khó có thể đủ bằng chứng để xác minh tính chính xác của hành động.

>> ‘Cần vùng xanh cho tài xế lỡ vượt đèn vàng’

Tôi từng sinh sống và làm việc ở Malaysia. Đèn giao thông bên này cũng không có bộ đếm giây như thí điểm ở nước ta. Tuy nhiên, họ thiết kế đèn xanh trước khi chuyển qua đèn vàng thì sẽ nhấp nháy trong khoảng 5 giây cuối. Đèn vàng trước khi chuyển qua đỏ cũng sẽ sáng khoảng 3 giây, để đủ thời gian cho tài xế quyết định sẽ dừng hay chạy tiếp.

Và khi làn này chuyển đỏ rồi thì làn giao cắt phải 3 giây sau mới chuyển xanh để tránh trường hợp tài xế vội chạy vào giao lộ mà đụng phải xe ở làn vừa chuyển đỏ bị lố đà. Và luật bên này cũng quy định, nếu đèn chuyển vàng khi xe đã vượt qua vạch dừng thì tài xế được phép chạy tiếp mà không tính là phạm luật.

Tóm lại, ở đây không phải tôi và nhiều người lo bị phạt oan khác đang cổ súy cho hành vi vi phạm giao thông, mà là bàn về những bất cập của hạ tầng giao thông hiện tại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần tuân thủ pháp luật cũng như tính minh bạch, chính xác của việc xử lý vi phạm. Khi sự bất đồng bộ giữa mức xử phạt và hạ tầng giao thông (bao gồm luôn biển báo, đèn giao thông, cách các thành phần đó vận hành) vẫn còn tồn tại thì rất khó để khiến người dân yên tâm tham gia giao thông.