Thời điểm La Nina tác động đến thời tiết Việt Nam đang cận kề. Dự báo, hiện tượng mưa bão, lũ có khả năng xuất hiện dồn dập từ tháng 9 – 11 với nhiều diễn biến phức tạp.
Theo các chuyên gia, trạng thái La Nina từ tháng 9 – 11 năm nay với xác suất 60 – 70%. Khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh, gây ra hệ quả thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, thời điểm La Nina tác động đến thời tiết Việt Nam đang cận kề. Dự báo, hiện tượng mưa bão, lũ có khả năng xuất hiện dồn dập từ tháng 9 – 11 với nhiều diễn biến phức tạp.
Từ nay đến hết tháng 9 là mùa mưa lũ chính ở Bắc Bộ nên vẫn xuất hiện các đợt mưa lớn. Khu vực vùng núi phải cảnh giác ở mức cao với nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.
Dự báo xa hơn trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2024, với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển và tác động đến nước ta đúng thời kỳ mùa mưa bão ở Trung Bộ nên khả năng bão, mưa, lũ sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các nguy cơ mưa nhiều hơn bình thường ở khu vực ven biển Trung Bộ, làm tăng nguy cơ lũ lụt và ngập lụt đô thị.
Trong lịch sử, những năm chuyển pha La Nina, thiên tai thường xảy ra khốc liệt. (Ảnh minh họa – Ảnh: VGP)
Với lượng mưa gia tăng, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cũng tăng, đặc biệt ở các vùng núi cao, nơi có tính chất đất không ổn định.
La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm.
Từ nay đến hết năm 2024 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 8 – 10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có 4 – 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Trong lịch sử, những năm chuyển pha La Nina, thiên tai thường xảy ra khốc liệt, do đó ngay từ nay cần phải sớm có phương án ứng phó phù hợp với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
“Đối với các tỉnh vùng núi phía Bắc, chúng ta phải chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét. Chúng ta cần phải có những biện pháp, đặc biệt cần nâng cao công tác tuyên truyền, kỹ năng hướng dẫn cho người dân cũng như các cấp chính quyền cơ sở; chủ động rà soát những khu vực dân ở, có nguy cơ rủi ro cao cần tổ chức di dời, khơi thông luồng lạch bị ách tắc… Khi có tình huống thiên tai xảy ra, các chính quyền địa phương cần túc trực, tăng cường lực lượng hướng dẫn, theo dõi, giám sát.
Đối với các tỉnh miền Trung và các tỉnh khác nói chung, chúng ta cần chủ động rà soát ngay phương án ứng phó với bão, lũ lớn, đặc biệt cần có sự vào cuộc tham gia của tất cả người dân và chính quyền cơ sở đóng vai trò then chốt trong vấn đề đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng chống thiên tai hiện nay”, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, cho biết.