Nhiều vấn đề được ra xung quanh vấn nạn ô nhiễm không khí, và các chuyên gia đã lên tiếng chia sẻ ý kiến. Về nội dung này, PV có cuộc trao đổi với TS Hoàng Dương Tùng, hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.
PV: Theo ông, tại sao lại là 3 ngày liên tiếp chất lượng không khí nguy hại mới tính tới việc cho học sinh nghỉ học, mà không phải khoảng thời gian ngắn hơn?
TS Hoàng Dương Tùng: Biện pháp thứ nhất cũng là để làm giảm thiểu ô nhiễm. Thứ hai là làm sao để tránh được phơi nhiễm của trẻ em đối với ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe của con em chúng ta. Biện pháp này cũng đã được một số nơi trên thế giới áp dụng khi mà chỉ số chất lượng không khí rất là cao.
Cũng có nhiều người hỏi tại sao không phải một ngày, hai ngày, mà là ba ngày, thì rõ ràng bản chất của ô nhiễm không khí cũng có thể là lâu, rồi cũng có thể là nhanh, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, thế tại sao không phải là hai ngày, không phải một ngày. Tại vì nếu mà trường hợp ba ngày ô nhiễm nguy hại liên tiếp như thế là cực kỳ hãn hữu. Tôi chưa nhìn thấy điều này xảy ra.
Tôi nghĩ rằng trước hết, mình cũng phải có sự chuẩn bị, sau đó sẽ chứng minh nó là như thế nào. Các hướng dẫn của người ta là như thế, chắc chắn là người ta cũng có cơ sở khoa học để người ta làm như vậy. Vì đối với không khí ô nhiễm liên tục thì mình đang nói về trung bình ngày, mà ở mức 300 đấy là kinh khủng lắm.
PV: Vậy rõ ràng điều mà chúng ta cần thực sự quan tâm lúc này là chất lượng không khí nguy hại đang là vấn đề rất nóng, không thể chủ quan nữa, phải không, thưa ông?
TS Hoàng Dương Tùng: Mấy hôm nay ô nhiễm không khí rất là cao, đáng báo động. Vấn đề như nhiều người nói là ba ngày hay là hai ngày đấy thì tôi nghĩ là nó cũng không quan trọng bằng cách chúng ta phải có những hành động, những suy nghĩ.
Điều thứ nhất là giảm thiểu ô nhiễm tác động, bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Cái thứ hai là có những biện pháp giảm nguồn thải, mọi người cũng nên chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, tham khảo thông tin về chỉ số chất lượng không khí.
Người ta cũng khuyến cáo là ở nhà thì nên đóng cửa và nếu có điều kiện thì nên dùng các sản phẩm máy lọc không khí.
Ngoài ý kiến của TS Hoàng Dương Tùng, hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nêu trên, TS Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế công cộng, một chuyên gia có nhiều nghiên cứu và đánh giá về tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, cũng nêu quan điểm về các giải pháp bên cạnh việc dừng hoạt động giáo dục khi ô nhiễm không khí nguy hại.
“Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, khi mà ô nhiễm tăng cao, họ sẽ giảm các nguồn phát thải lớn, ví dụ như các nguồn công nghiệp có lượng phát thải lớn và các nguồn cận các khu đông dân. Thứ hai, chúng ta sẽ nhìn thấy là nếu mà ở trong các vùng mà hiện nay ô nhiễm không khí khó kiểm soát, như Hà Nội của chúng ta là một trong các điểm nó “hơi thung lũng”, không có gió và khả năng luân chuyển của không khí kém như thế này thì người ta sẽ xem xét.
Đó là người ta xem xét hạn chế các phương tiện, ví dụ như là các xe ô tô tải hoặc là các xe cá nhân chẳng hạn, và sẽ ưu tiên sử dụng các biện pháp công cộng như là một biện pháp tức thời làm gia tăng chất lượng không khí cấp bách, thay vì việc chúng ta “shutdown” các hoạt động liên quan đến trẻ em, hay là đóng cửa các trường học, cơ quan, để từ đó tránh tác động xã hội về mặt lâu dài”.
“Nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong 3 ngày liên tục, có thể xem xét cho học sinh mẫu giáo, tiểu học nghỉ học”, đây là nội dung đáng chú ý được nêu trong văn bản khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe của Cục Quản lý Môi trường y tế, vào ngày 7/1.