Nhiều ngày qua, các tuyến đường ở khu vực trung tâm TP.HCM và vùng ven liên tục kẹt xe kéo dài khiến người dân di chuyển rất vất vả.
Chị Vũ Vy (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 3) cho biết, chị đi làm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, cách nhà chị hơn 5 km. Bình thường, chị di chuyển chỉ mất 15-20 phút. Thế nhưng, suốt mấy ngày qua, chị phải di chuyển 40 phút mới đến công ty.
Theo chị Vy, tuyến đường như Hoàng Sa (Quận 3) đoạn từ Đỗ Thị Lời đến Trần Quang Diệu thường xuyên kẹt xe hơn 1 km, ô tô, xe máy xếp thành hàng dài. Đường Trần Quốc Thảo, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu… liên tục tắc nghẽn. Các ngã tư bị “vỡ trận” vì phương tiện không thể di chuyển.
“Người đi đường không dám rẽ phải vì sợ bị phạt. Việc này khiến lượng phương tiện ùn ứ tăng cao, giao thông tê liệt. Ai cũng phải nhích từng chút một rất khó chịu và mệt mỏi”, chị Vy nói.
Theo chị Vy, suốt cả tuần nay, mỗi lần đến công ty và đi làm về chị đều phờ phạc vì di chuyển. Đi đâu mồ hôi cũng nhễ nhại khiến sinh hoạt gặp nhiều bất tiện.
Gặp nỗi chán nản tương tự, anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) cho biết, anh vừa ra đến đầu hẻm là đã kẹt xe. Đường Phú Thọ Hòa, Lũy Bán Bích, Âu Cơ… kẹt xe liên tục khiến anh phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến công ty ở Quận 10.
Theo anh Tuấn Anh, trước đây, anh đi làm chỉ mất khoảng 30 phút thì nay thời gian đã gấp đôi. Việc phải đứng ngoài đường nắng nôi cả giờ đồng hồ khiến anh vô cùng mệt mỏi.
Trả lời PV Báo điện tử VTC News, nhiều người dân tại TP Thủ Đức chia sẻ, họ rất vất vả để di chuyển vào khu vực trung tâm thành phố đi làm. Các tuyến đường lớn, nhỏ tại TP Thủ Đức đều kẹt xe kéo dài, bất kể là giờ cao điểm hay thấp điểm. Tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông, người dân phải mất 5-7 lượt đèn mới qua được.
Ghi nhận vào thời điểm 12h-15h, dù không phải là giờ cao điểm nhưng nhiều tuyến đường tại khu vực trung tâm TP.HCM vẫn ùn tắc, kẹt cứng.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị này đã nắm được tình hình kẹt xe nghiêm trọng xảy ra trong những ngày qua ở thành phố. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ của Sở đang rà soát, lắp đặt biển cho phép xe rẽ phải khi đèn đỏ ở các tuyến đường phù hợp.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho rằng, mức phạt tăng cao khiến người dân tuân thủ việc dừng đèn đỏ tốt hơn. Tuy nhiên, việc này cũng khiến các tuyến đường bị ùn tắc, kẹt xe kéo dài.
Trước đó, vào ngày 26/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nghị định 168 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Theo Nghị định 168, người lái ô tô có thể bị phạt từ 18-20 triệu đồng nếu vi phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Người đi xe máy vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều thì bị phạt từ 4-6 triệu đồng.
Theo Sở GTVT TP.HCM, đơn vị này đang quản lý 1.070 chốt đèn giao thông (bao gồm 794 chốt đèn hoạt động chế độ xanh – vàng – đỏ, 256 chốt đèn hoạt động chế độ chớp vàng (bao gồm đèn năng lượng mặt trời) tại TP.HCM. Trong đó có 843 chốt đèn hoạt động độc lập và 227 chốt đèn hoạt động kết nối điều khiển tại trung tâm điều khiển.
Thời gian qua, thành phố cũng thí điểm một số giải pháp trong hoạt động của hệ thống đèn giao thông. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý hoạt động của hệ thống đèn giao thông tại các khu vực như Hàng Xanh, ngã năm Đài Liệt sĩ, giao lộ Ung Văn Khiêm – Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Gia Trí – D5 (quận Bình Thạnh). Kể từ khi thí điểm, tình hình giao thông tại các khu vực này cơ bản ổn định.
Sở GTVT TP.HCM cũng đang triển khai các dự án về điều khiển giao thông tự động cho các trục đường như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ bằng giải pháp kỹ thuật số song sinh Digital Twin có ứng dụng AI thế hệ mới. Công nghệ này sẽ thu thập, phân tích, báo cáo lưu trữ thống kê các dữ liệu mô tả tình trạng và hiệu suất khai thác của hệ thống đường bộ theo thời gian thực. Từ đó phát hiện tắc nghẽn hay các sự cố giao thông để tự động đưa ra cảnh báo cho người vận hành.