CSGT Hà Nội: “Chưa có ai nhận được tiền thưởng từ việc tố giác vi phạm giao thông”

Các biện pháp xử phạt nghiêm ngặt, đặc biệt là phạt nguội, đang góp phần nâng cao ý thức giao thông, song cũng nảy sinh một số bất cập cần giải quyết.

Theo bài đăng trên báo VTV, khi người dân tố giác vi phạm giao thông, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng các biện pháp để kiểm tra và xác minh tính chính xác của thông tin, nhằm tránh tình trạng hình ảnh bị photoshop hay chỉnh sửa.

Tính đến hôm nay, Nghị định 168 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có hiệu lực được 10 ngày. Nghị định lần này tăng nặng mức xử phạt, với một số hành vi vi phạm bị phạt cao gấp 5 – 6 lần so với trước. Tuy nhiên, sau một tuần triển khai, vẫn có đến hơn 92.000 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm nồng độ cồn chiếm hơn 20%. Riêng các trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, trung bình mỗi ngày có khoảng 380 trường hợp vi phạm.

“Từ ngày 1 đến ngày 7/1/2025, lực lượng Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 5.654 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, 1.670 phương tiện bị tạm giữ, 190 giấy phép lái xe bị thu giữ hoặc tước quyền sử dụng, và hơn 600 trường hợp bị trừ điểm trên giấy phép lái xe. Tổng số tiền phạt thu được từ các vi phạm ước tính trên 14 tỷ đồng”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cung cấp thông tin về các số liệu cụ thể về việc xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội sau khi Nghị định 168 có hiệu lực

Nói về quy định chi tiền thưởng cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông, TS Khương Kim Tạo (nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) kỳ vọng sẽ tạo động lực để người dân tích cực tham gia vào công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hơn nữa.

Theo ông Tạo, bản chất của cơ chế trên “không phải dùng tiền để kêu gọi tố giác”, bởi trước nay không có việc trả tiền thì vẫn có rất nhiều người đã cung cấp thông tin. Việc chi hỗ trợ là nhằm động viên người cung cấp thông tin, qua đó cũng gián tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Cùng bày tỏ sự ủng hộ, song luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng lạm dụng.

Ông Hùng nhận định, mục đích khi Nhà nước quy định cơ chế chi tiền là để khích lệ những người cung cấp thông tin vi phạm, qua đó giúp cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Quy định này sẽ thực sự ý nghĩa nếu việc phát hiện, tố giác xuất phát từ quá trình tham gia giao thông hoặc vô tình chứng kiến vi phạm; động cơ tố giác là nhằm góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ngược lại, nếu coi đây là một “nghề” để chuyên đi “săn” hình ảnh vi phạm, mục đích tốt đẹp của nghị định sẽ bị méo mó. Lúc ấy, người tố giác không còn “động cơ trong sáng” là muốn góp ý và giúp tình hình trật tự, an toàn giao thông tốt hơn nữa, mà chuyển sang trạng thái muốn kiếm tiền từ vi phạm của người khác.

Theo ông Tuấn, các lỗi vi phạm giao thông phổ biến nhất thường là vượt đèn đỏ và đi ngược chiều. Mặc dù số lượng các trường hợp vi phạm này đã giảm đáng kể sau ngày 1/1/2025, nhưng vẫn còn tồn tại. Về vấn đề được nhiều người quan tâm là định nghĩa “vượt đèn đỏ”, theo quy định, khi bánh xe của phương tiện chạm vào vạch dừng (vạch kẻ ngang tại ngã tư hoặc điểm giao cắt) khi đèn đỏ bật lên, hành vi này đã được coi là vi phạm quy định về vượt đèn đỏ. Không cần cả thân xe vượt qua vạch mới bị xử phạt, chỉ cần bánh xe chạm vào là đã tính.

“Thực tế hiện nay, có tình trạng đèn tín hiệu hiển thị màu đỏ nhưng con số đếm ngược lại nhảy bằng màu xanh. Theo nguyên tắc, người tham gia giao thông cần tuân thủ màu sắc của tín hiệu đèn giao thông. Nếu đèn hiển thị màu đỏ, dù số đếm ngược có màu khác, vẫn phải dừng lại. Trường hợp xảy ra lỗi hiển thị màu, người tham gia giao thông nên tuân thủ đúng tín hiệu chính. Trong trường hợp đèn giao thông ở xa hiển thị màu đỏ, nhưng ngay trước mặt là đèn xanh, người tham gia giao thông nên tuân thủ tín hiệu của đèn giao thông gần vị trí của mình nhất”, ông Tuấn cho biết thêm.

Cũng theo ông Tuấn, lực lượng chức năng không xử phạt các tình huống không rõ ràng hoặc có sự bất nhất trong tín hiệu giao thông. Nếu có thông báo phạt nguội, người tham gia giao thông sẽ được hướng dẫn đến cơ quan hoặc đơn vị có thẩm quyền để giải quyết. Người dân có quyền khiếu nại và cung cấp bằng chứng liên quan để chứng minh tình huống thực tế.

Một số trường hợp đèn tín hiệu hiển thị màu đỏ nhưng con số đếm ngược lại nhảy bằng màu xanh

Khi đề cập đến việc phạt nguội, một vấn đề đáng lo ngại là tình trạng cố tình gian lận biển số xe, như che biển số hoặc chỉnh sửa số trên biển (biến số 3 thành số 8, số 6 thành số 8,…). Có trường hợp một phương tiện có cùng hãng xe, màu xe nhưng biển số bị giả mạo, dẫn đến chủ xe nhận được thông báo xử phạt nguội.

“Chủ phương tiện có thể chứng minh mình không tham gia giao thông (ví dụ: ở nhà hoặc ở nơi khác) hoặc phương tiện không ở hiện trường vi phạm. Các bằng chứng có thể bao gồm camera giám sát, thông tin định vị GPS (nếu có), hoặc vé thu phí tại các trạm ETC chứng minh xe không đi qua khu vực bị ghi nhận vi phạm. Sau khi nhận được thông báo phạt nguội, chủ xe có quyền khiếu nại và cung cấp các bằng chứng liên quan tại cơ quan chức năng hoặc đơn vị thụ lý vụ việc. Nếu phương tiện đang được người khác mượn sử dụng tại thời điểm vi phạm, trách nhiệm sẽ thuộc về người điều khiển phương tiện tại thời điểm đó”, ông Tuấn chia sẻ.

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, nhiều người dân phản ánh về tình trạng biển báo giao thông đặt ở vị trí khó nhìn, như biển báo rẽ trái lại nằm bên phải đường, hay tín hiệu đèn giao thông hiển thị không rõ ràng, dẫn đến người dân dễ vi phạm và bị xử phạt. Điều này gây ra không ít bức xúc, vì chỉ cần phạm lỗi nhỏ, như vượt nhẹ qua vạch dừng, là đã bị xử phạt.

Ông Tuấn cho rằng, đơn vị chịu trách nhiệm cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vị trí và cách bố trí biển báo giao thông, đặc biệt ở các nút giao thông lớn, nơi tầm nhìn của người tham gia giao thông có thể bị cản trở. Tại những điểm giao thông phức tạp hoặc khuất tầm nhìn, cần bổ sung thêm biển báo hoặc biển chỉ dẫn để người dân dễ dàng nhận biết. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo và đèn tín hiệu, kịp thời sửa chữa, điều chỉnh nếu phát hiện bất cập. Người dân có thể phản ánh các trường hợp bất hợp lý trong hệ thống giao thông qua các kênh thông tin chính thức.

“Khi người vi phạm đã bị trừ hết điểm trên giấy phép lái xe, sẽ bị tước quyền điều khiển phương tiện. Trong thời gian chờ đợt thi lại, người vi phạm sẽ không được phép tham gia giao thông hoặc điều khiển phương tiện”, ông Tuấn nói.

Theo quy định, số điểm trên giấy phép lái xe sẽ được phục hồi lại đầy đủ 12 điểm vào năm tiếp theo. Mỗi năm, điểm sẽ được tính lại từ đầu, và không cộng dồn điểm từ các năm trước. Do đó, nếu người tham gia giao thông không vi phạm trong năm đó, sẽ không bị trừ điểm và sẽ giữ đủ 12 điểm trong suốt năm đó. Tuy nhiên, nếu vi phạm và bị trừ điểm trong năm, người vi phạm chỉ bị trừ số điểm cho các vi phạm trong năm đó, và khi bước sang năm tiếp theo, số điểm sẽ lại được phục hồi về mức tối đa là 12 điểm.

Khi bị trừ hết 12 điểm, người vi phạm sẽ phải tham gia kiểm tra lại hai nội dung là thi trắc nghiệm lý thuyết và thực hành thi lái xe được thực hiện trên máy tính, mô phỏng các tình huống giao thông trên sa hình

Theo Nghị định 176, quy định các cá nhân hoặc tổ chức có thể được thưởng tiền khi tố giác người vi phạm giao thông. Cụ thể, Bộ Công an sẽ hỗ trợ mức chi thưởng là 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa là 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc.

“Đến thời điểm hiện tại, chưa có ai nhận được tiền thưởng từ việc tố giác vi phạm giao thông”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn cho biết, khi người dân tố giác vi phạm giao thông, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng các biện pháp để kiểm tra và xác minh tính chính xác của thông tin, nhằm tránh tình trạng hình ảnh bị photoshop hay chỉnh sửa. Quá trình này sẽ bao gồm việc lập biên bản vi phạm đối với người vi phạm, từ đó xác định rõ ràng hành vi vi phạm và tiến hành xử phạt. Hiện tại, cũng chưa có hướng dẫn hoặc quy định chính thức về việc trả thưởng cho người cung cấp thông tin tố giác vi phạm giao thông.

“Việc cung cấp thông tin tố giác có thể sẽ tạo ra những động cơ không chính đáng, và có thể xảy ra tình trạng dàn dựng hoặc cắt ghép ảnh để kiếm tiền. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, trong quá trình xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh rất kỹ lưỡng để đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng vi phạm. Mỗi trường hợp đều phải được kiểm tra cẩn thận, không chỉ dựa vào hình ảnh hay thông tin cung cấp từ người dân. Ngoài ra, người dân có quyền khiếu nại nếu cảm thấy quyết định xử phạt không chính xác hoặc mức phạt không hợp lý”, ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn đánh giá, việc kết nối và tích hợp dữ liệu từ các hệ thống giám sát hành trình ô tô, cùng với dữ liệu ghi nhận hình ảnh từ các cơ quan giao thông, là một bước tiến lớn trong việc nâng cao hiệu quả giám sát và phạt nguội. Khi các cơ quan chức năng có được dữ liệu này, không cần dựa vào sức người để phát hiện và xử lý vi phạm, mà có thể sử dụng công nghệ để tự động xử lý các trường hợp vi phạm. Cách làm này giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc giám sát hành vi vi phạm giao thông, đồng thời khiến người tham gia giao thông cảm thấy bị giám sát mọi lúc, từ đó tạo ra tâm lý tuân thủ pháp luật và tôn trọng các quy định giao thông hơn.

Việc kết nối và tích hợp dữ liệu từ các hệ thống giám sát hành trình ô tô, cùng với dữ liệu ghi nhận hình ảnh từ các cơ quan giao thông, là một bước tiến lớn trong việc nâng cao hiệu quả giám sát và phạt nguội

Rõ ràng trong những ngày qua, sau khi chế tài xử phạt mới được ban hành, văn hóa giao thông đã được nâng cao một cách rõ rệt. Việc tăng mức xử phạt nặng nhằm mục đích răn đe, cảnh cáo, để người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông, từ đó đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông không đáng có. Việc thưởng cho những người tố giác vi phạm giao thông cũng nhằm mục đích khuyến khích người dân giám sát lẫn nhau. Tuy nhiên, điều này cũng có thể là con dao hai lưỡi, nếu không sử dụng khéo léo thì có thể gây ra hậu quả không mong muốn. Cùng với đó, để chế độ thưởng phạt này thực sự công bằng và minh bạch, các cơ sở vật chất phục vụ giao thông như đèn tín hiệu, vạch chia làn, vạch kẻ đường và hệ thống camera giám sát cần được đảm bảo chất lượng. Mục tiêu cuối cùng của các biện pháp này là đảm bảo sự an toàn, thuận tiện và bảo vệ quyền lợi của người tham gia giao thông.

Xung quanh vấn đề trên, báo Thanh niên có cập nhật, việc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin sẽ khích lệ người dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại xảy ra tình trạng lạm dụng. 

Chính phủ mới đây ban hành Nghị định 176/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách.

Theo nghị định, cá nhân, tổ chức sẽ được hỗ trợ tiền nếu cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông. Mức chi cho mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt, tối đa 5 triệu đồng.

Lực lượng công an phối hợp kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông (ẢNH: HOÀNG TUÂN)

Sớm có cơ chế trả “tiền thưởng”

Đại diện Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết, việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh từ người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ vốn đã được thực hiện trong thời gian qua. Nhờ nguồn thông tin này, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin theo Nghị định 176/2024 và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, các cơ quan liên quan sẽ sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi.

Nói về quy định chi tiền thưởng cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông, TS Khương Kim Tạo (nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) kỳ vọng sẽ tạo động lực để người dân tích cực tham gia vào công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hơn nữa.

Theo ông Tạo, bản chất của cơ chế trên “không phải dùng tiền để kêu gọi tố giác”, bởi trước nay không có việc trả tiền thì vẫn có rất nhiều người đã cung cấp thông tin. Việc chi hỗ trợ là nhằm động viên người cung cấp thông tin, qua đó cũng gián tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Cùng bày tỏ sự ủng hộ, song luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng lạm dụng.

Ông Hùng nhận định, mục đích khi Nhà nước quy định cơ chế chi tiền là để khích lệ những người cung cấp thông tin vi phạm, qua đó giúp cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Quy định này sẽ thực sự ý nghĩa nếu việc phát hiện, tố giác xuất phát từ quá trình tham gia giao thông hoặc vô tình chứng kiến vi phạm; động cơ tố giác là nhằm góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ngược lại, nếu coi đây là một “nghề” để chuyên đi “săn” hình ảnh vi phạm, mục đích tốt đẹp của nghị định sẽ bị méo mó. Lúc ấy, người tố giác không còn “động cơ trong sáng” là muốn góp ý và giúp tình hình trật tự, an toàn giao thông tốt hơn nữa, mà chuyển sang trạng thái muốn kiếm tiền từ vi phạm của người khác.

Theo Nghị định 176/2024, người dân sẽ được hỗ trợ tiền nếu cung cấp thông tin vi phạm giao thông (ẢNH: ĐINH HUY)

Không để xảy ra lạm dụng

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chỉ ra ít nhất 2 tác động tiêu cực nếu xảy ra việc lạm dụng tố giác vi phạm giao thông.

Thứ nhất là nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. “Thử tưởng tượng ngày nào cũng có người “cắm” máy quay ở ngã tư, hoặc tay lăm lăm điện thoại đi rình vi phạm, sẽ thật ngột ngạt, bất cập”, ông Hùng nói.

Vẫn theo luật sư, mỗi video, hình ảnh mà người dân cung cấp không chỉ phản ánh hành vi của người vi phạm (nếu đúng), mà còn liên quan đến nhiều người tham gia giao thông khác, nhất là hình ảnh cá nhân. Những thông tin này sử dụng không đúng mục đích, thậm chí là cố tình lợi dụng vì mục đích không tốt, ảnh hưởng tiêu cực sẽ rất lớn.

Thứ hai, việc “người người cầm máy quay, điện thoại ra đường” tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông – đối tượng mà người tố giác muốn bảo vệ. “Khi biến tướng xảy ra, mỗi người như một “thám tử” theo dõi, rình rập, rất dễ gây những tổn hại ngoài dự tính”, luật sư Hùng nêu.

Từ những lo ngại đã nêu, luật sư Hùng kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng tiêu chí “sàng lọc” thông tin cũng như cách thức chi tiền hỗ trợ khoa học, làm sao vừa đảm bảo khuyến khích người dân tham gia tố giác vi phạm vừa ngăn ngừa biến tướng xảy ra.

Đầu mối tiếp nhận thông tin

Cục CSGT cho hay, để cung cấp thông tin vi phạm giao thông, người dân có thể liên hệ với các đầu mối tiếp nhận gồm: Cục CSGT, phòng CSGT thuộc công an tỉnh, đội CSGT – trật tự thuộc công an huyện.

Các đơn vị này có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin.

Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông bằng cách cài đặt, sử dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển.