Số CCCD có thể bị lộ khi người dân đăng ký tài khoản trực tuyến, thực hiện vay tiền, hoặc mua sắm theo hình thức trả góp.
Theo bài đăng trên thời báo Văn học Nghệ thuật, nhiều đối tượng xấu thường giả danh cơ quan công an hoặc ngân hàng, thực hiện các cuộc gọi yêu cầu xác minh căn cước công dân, khiến người dân dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân một cách vô tình.
Kiểm tra xem số căn cước công dân của mình có bị lộ hay lợi dụng
Để kiểm tra xem số căn cước công dân của mình có bị lộ hay lợi dụng cho các hoạt động gian lận trực tuyến hay không là điều mà bất kỳ ai cũng quan tâm và mong muốn kiểm soát. Đây cũng là mối lo ngại chung về an toàn thông tin cá nhân.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hiện nay, hầu hết người dân đã chuyển sang sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
So với CMND và CCCD mã vạch, CCCD gắn chip có khả năng lưu trữ nhiều thông tin hơn nhờ vào chip điện tử và mã QR tích hợp trên thẻ. Điều này vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng thông tin để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tình trạng lộ số căn cước công dân có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, thông tin cá nhân dễ bị lộ khi người dân đăng ký tài khoản trực tuyến, thực hiện vay tiền, hoặc mua sắm theo hình thức trả góp.
Việc nộp hồ sơ trực tuyến tại các cơ quan, công ty cũng tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin nếu các đơn vị này không đảm bảo quy trình bảo mật.
Ngoài ra, các đối tượng xấu thường giả danh cơ quan công an hoặc ngân hàng, thực hiện các cuộc gọi yêu cầu xác minh căn cước công dân, khiến người dân dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân một cách vô tình.
Một nguyên nhân khác là do người dân làm mất căn cước công dân. Kẻ xấu có thể sử dụng giấy tờ này để đăng ký tài khoản, mở SIM điện thoại, hoặc thực hiện các giao dịch trái phép.
Bên cạnh đó, lỗ hổng bảo mật từ hệ thống của các doanh nghiệp cũng là yếu tố phổ biến dẫn đến việc thông tin cá nhân người dùng bị rò rỉ.
2 cách kiểm tra xem CCCD có bị lợi dụng để vay tiền, lừa đảo
Theo Luật Viễn thông, từ ngày 1/7/2024, các thuê bao di động phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các số điện thoại đã đăng ký sử dụng với nhà mạng.
Người dân có thể kiểm tra các SIM điện thoại liên kết với số căn cước công dân (CCCD) của mình để phát hiện và xử lý kịp thời những số điện thoại đứng tên nhưng không sử dụng.
Để kiểm tra, hãy soạn tin nhắn theo cú pháp: TTTB và gửi đến 1414 (miễn phí). Hệ thống sẽ cung cấp thông tin về các số điện thoại đã đăng ký bằng CCCD của bạn. Nếu thông tin trả về có các số lạ không do mình đăng ký và sử dụng, hãy liên hệ với nhà mạng để tìm hiểu thêm thông tin và hủy số.
Để xem số CCCD và số căn cước của bạn có bị lợi dụng hay không, hãy truy cập trang web của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) tại địa chỉ https://cic.gov.vn. Các bước cụ thể:
1. Truy cập website CIC: Mở trang web https://cic.gov.vn để bắt đầu đăng ký tài khoản.
2. Đăng ký thông tin cá nhân: Điền đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân theo yêu cầu hệ thống. Chọn loại tài khoản phù hợp (Cá nhân hoặc Doanh nghiệp) và tạo mật khẩu.
Lưu ý: Sử dụng email và số điện thoại chính chủ để nhận thông báo từ CIC. Không để trống các mục có dấu (*) bắt buộc.
3. Xác thực mã OTP: Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đăng ký, sau đó nhấn “Tiếp tục”.
4. Xác thực qua điện thoại: Trong vòng 1 ngày, nhân viên CIC sẽ gọi để xác minh thông tin bằng hình thức hỏi – đáp.
5. Hoàn tất đăng ký: Sau khi tài khoản được xác nhận, thông tin đăng nhập sẽ được gửi qua SMS hoặc email của bạn.
6. Truy cập và khai thác báo cáo: Đăng nhập vào hệ thống CIC, chọn [Khai thác báo cáo] để xem thông tin tín dụng và kiểm tra nợ xấu tại mục “Thông tin tín dụng”.
Một phương án khác là tải và cài đặt ứng dụng CIC Credit Connect trên điện thoại. Người dùng có thể tra cứu lịch sử tín dụng thông qua số CCCD hoặc căn cước công dân của mình.
Để sử dụng, người dân cần đăng ký tài khoản bằng số CCCD, căn cước và các thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thành công, họ có thể kiểm tra các khoản vay hoặc thẻ tín dụng đã được cấp cho mình.
Nếu phát hiện các khoản vay không phải do mình thực hiện, người dùng có thể liên hệ với ngân hàng để thông báo và yêu cầu hỗ trợ.
Trước đó, nhiều người đã bị lừa đảo chỉ vì “chiêu trò” xoay quanh CCCD. Vào tháng 8/2024, báo Lao động có bài viết: “Bị lừa 200 triệu đồng khi làm căn cước công dân qua mạng”, đưa tin về một trường hợp xảy ra tại tỉnh Yên Bái.
Theo đó, ngày 9.8, cơ quan công an phát đi cảnh báo về hành vi lợi dụng việc cấp căn cước công dân bằng hình thức online để chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, ttrên địa bàn phường Minh Tân, TP Yên Bái đã xảy ra vụ lợi dụng việc cấp căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi bằng hình thức online để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Chị P.H (trú tại tổ 10, phường Minh Tân) nạn nhân trong vụ việc chia sẻ, chị có nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là công an phường và thông báo việc làm căn cước công dân cho con. Sau đó, người này gửi cho nạn nhân đường link để làm căn cước công dân bằng hình thức online.
Sau khi thực hiện một số thao tác theo lời kẻ lạ mặt, hậu quả chị H đã bị chiếm quyền sử dụng điện thoại và bị chiếm đoạt tài sản lên đến hơn 200 triệu đồng.
Công an TP Yên Bái khuyến cáo người dân, các thông tin chính thống sẽ được thông báo qua Trưởng thôn và Công an xã.
Vì vậy, người dân tuyệt đối không cài đặt ứng dụng lạ, không truy cập đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP hoặc chuyển những khoản tiền nhỏ khi đối tượng lạ yêu cầu.