Cục CSGT: Nghị định 168/2024 ban hành theo trình tự rút gọn

Do tính cấp thiết của tình hình giao thông và đồng bộ với Luật Trật tự an toàn giao thông, Nghị định 168/2024 được ban hành theo trình tự rút gọn, theo Cục CSGT.

Chiều 12/1, Cục Cảnh sát giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) lý giải Nghị định 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe ban hành ngày 26/12/2024, nhưng đến 1/1/2025 đã có hiệu lực, chưa đủ 45 ngày theo quy định.

Theo Cục CSGT, trong quá trình soạn thảo Nghị định 168 để thay thế Nghị định 100/2019, sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2021, do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông, cơ quan có thẩm quyền đã họp xem xét, quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn. Theo điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành.

Người dân dừng đèn đỏ trên phố Chùa Bộc, Hà Nội tháng 1/2025. Ảnh: Giang Huy

Ngoài ra, do Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực ngày 1/1/2025 nên Nghị định 168/2024 có hiệu lực cùng ngày để đồng bộ khi thực thi luật trên. “Sau khoảng 5 năm thi hành Nghị định 100/2019, thực tế phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, đại diện Cục CSGT nói thêm.

Trước đó để đảm bảo chất lượng, Cục CSGT cho hay các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan thảo luận kỹ lưỡng nghị định. Dự thảo cũng được đăng tải, lấy ý kiến góp ý rộng rãi theo quy định trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Nghị định 168/2024 bổ sung việc trừ điểm giấy phép lái xe và tăng mức phạt của nhiều hành vi phạm. Nổi bật như tăng hơn ba lần mức phạt đối với hành vi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, đi trên vỉa hè từ 0,8-1 triệu lên 4-6 triệu đối với xe máy, từ 4-6 triệu lên 18-20 triệu đối với ôtô.

Trước đó, Nghị định 100/2019 cũng được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn khi ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực 1/1/2020, nhằm phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia 2019.