Tất cả tiền dành dụm được bỗng dưng biến mất, cụ ông ở Trung Quốc cho biết không hề nhận được thông báo nào từ ngân hàng về điều này.
Theo Đời sống & Pháp luật đăng tải, lời giải thích của giám đốc ngân hàng khiến ông cụ và gia đình cảm thấy cực kỳ vô lý và nhiều lỗ hổng.
Năm 2019, cụ ông họ Trương, 70 tuổi, đến ngân hàng gần nhà tại Củng Nghĩa, thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc để gửi 100.000 NDT (khoảng 348 triệu đồng) vào quỹ hưu trí. Khi đến nơi, nhân viên giao dịch lại nói với ông Trương ngân hàng vừa cho ra mắt sản phẩm tài chính mới, gửi tiết kiệm lãi suất là 5%. Đây được xem là mức khá ưu đãi của ngân hàng này vào thời điểm đó. Nếu ông Trương sử dụng sản phẩm đó, với số tiền gửi 100.000 NDT, sau 1 năm ông sẽ có thêm 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng).
Nghe vậy, ông Trương nhanh chóng đồng ý và tiến hành làm thủ tục đăng ký gói quản lý tài chính theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng. Hiện tại tuổi đã cao, ông Trương không còn đủ sức khỏe để lao động tăng thêm thu nhập, khoản tiền lãi của ngân hàng tuy không lớn nhưng vẫn là một con số đáng quan tâm với ông. Lúc về nhà, ông Trương còn khoe với con trai rằng mình gửi tiền ngân hàng có lãi suất rất tốt. Con trai ông Trương mặc dù thấy không yên tâm, nhưng vì thấy ông đưa ra giấy tờ xác minh đầy đủ nên không tìm hiểu thêm.
Trước Tết Nguyên đán năm 2022, ông Trương đến ngân hàng rút tiền, dự định sửa sang lại căn nhà cũ và lấy tiền lãi mua chút quà tặng các cháu của mình. Nhưng sau khi nhân viên ngân hàng kiểm tra tài khoản, họ bất ngờ thông báo rằng số dư tài khoản của ông hiển thị là 0 đồng. Mặc cho nhiều lần kiểm tra và đối chiếu với giấy tờ ông Trương mang đến, nhân viên vẫn 1 mực khẳng định trong tài khoản không có đồng nào. Điều này dẫn đến đôi bên lời qua tiếng lại căng thẳng.
Quản lý cấp cao của ngân hàng sau đó đã ra mặt để trấn an ông Trương và hẹn ông tạm thời về nhà để nhân viên kiểm tra lại hệ thống tiền gửi tiết gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, những ngày sau, mỗi lần ông quay trở lại đều chỉ nhận được lời thoái thác rằng hệ thống vẫn đang được bảo trì. Mặc dù phía ngân hàng bảo ông Trương hãy yên tâm vì tiền vẫn còn nguyên trong tài khoản, nhưng vì phải đợi chờ quá lâu, ông Trương mất kiên nhẫn nên đã báo cáo cho cơ quan chức năng can thiệp.
Khi ông Trương và cảnh sát địa phương đến trụ sở ngân hàng, giám đốc mới thay đổi thái độ, nhanh chóng mời họ vào phòng làm việc. Tại đây, giám đốc ngân hàng giải thích rằng vấn đề nằm ở loại tài khoản mà ông Trương đã mở. Người này cho biết, sau nhiều ngày kiểm tra mới phát hiện ra nhân viên giao dịch thời điểm đó đã tự động nâng cấp thẻ của ông Trương lên hạng vàng.
Cụ thể, khi được nâng cấp lên hạng vàng, ông Trương sẽ có một tấm thẻ mới với số tài khoản mới, thẻ hạng thường mà ông dùng trước đây tự động bị hệ thống hủy bỏ. Tuy nhiên, theo giám đốc ngân hàng, do thay đổi nhân viên phụ trách nên sau 1 năm số tiền tiết kiệm cả gốc lẫn lãi của ông Trương đã được hoàn đầy đủ vào tài khoản thẻ cũ. Đó chính là lý do dẫn đến việc số tiền trong tài khoản mới của ông Trương hiển thị là 0 đồng.
Lời giải thích của giám đốc ngân hàng khiến ông Trương và gia đình cảm thấy cực kỳ vô lý và nhiều lỗ hổng. Hơn nữa, việc ngân hàng không giải thích như vậy từ đầu, gây mất thời gian và gây nên sự hoang mang cho khách hàng. Cuối cùng, ngân hàng nhận đây là sai sót trong quy trình làm việc cũng như lỗi hệ thống, dẫn đến tình trạng này. Phía ngân hàng nhanh chóng làm thủ tục hoàn trả đầy đủ toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi 105.000 NDT (hơn 366 triệu đồng) cho ông Trương.
Vì ông Trương đã nhận lại được tiền nên sự việc được hòa giải và giải quyết trong êm đẹp, nhưng cơ quan chức năng cũng nhắc nhở ngân hàng ở Trịnh Châu này phải chặt chẽ hơn trong quy trình làm việc. Nếu nhân viên ngân hàng thông báo sớm tình trạng này cho ông Trương ngay từ khi nâng cấp thẻ vàng thì đã không xảy ra những rắc rối và tranh chấp không đáng có. Hành vi này rất cẩu thả và đã gây ra sự hiểu lầm lớn cho khách hàng như ông Trương.
Trước vụ việc trên cũng có trường hợp tương tự xảy ra, được báo Saostar đưa tin trên bài viết ngày 2/1: “Người phụ nữ gửi ngân hàng 7 tỷ, một năm sau đi rút tiền thì tài khoản còn 0 đồng”.
Chuyện xảy ra vào năm 2020, tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc, một người phụ nữ họ Chất đưa mẹ đến Bệnh viện Nhân dân Củng Nghĩa để cấp cứu. Trước chi phí viện phí và phẫu thuật quá cao, cô quyết định đến ngân hàng rút toàn bộ tiền tiết kiệm đã gửi hơn một năm trước để chi trả.
Tuy nhiên, khi đến ngân hàng, cô nhận được thông báo gây sốc từ nhân viên giao dịch: tài khoản của cô không còn bất kỳ khoản tiền nào. Điều này khiến cô Chất bàng hoàng, bởi cô đã gửi tiết kiệm 2,1 triệu NDT (khoảng hơn 7 tỷ đồng) tại đây, và cô vẫn giữ biên lai giao dịch. Mặc cho cô yêu cầu kiểm tra lại kỹ lưỡng, nhân viên ngân hàng khẳng định hệ thống cho thấy tài khoản hoàn toàn trống rỗng.
Quá hoang mang, cô Chất yêu cầu gặp giám đốc chi nhánh để làm rõ sự việc bị mất toàn bộ tiền trong tài khoản tiết kiệm. Sau khi kiểm tra biên lai và sổ tiết kiệm, giám đốc chi nhánh xác nhận rằng con dấu trên tài liệu đúng là của ngân hàng. Để xoa dịu tình hình, giám đốc cho biết có thể đây là lỗi hệ thống và hứa sẽ rà soát lại. Họ đề nghị cô Chất chờ đợi thông báo từ ngân hàng để giải quyết.
Dù đã kiên nhẫn chờ suốt ba ngày, cô Chất vẫn không nhận được bất kỳ liên lạc nào. Không thể chờ thêm, cô quay lại ngân hàng với hy vọng tìm được câu trả lời. Lần này, cô gặp người quản lý họ Hoắc – người đã hỗ trợ cô mở tài khoản tiết kiệm trước đây. Khi giao dịch ban đầu, người quản lý này còn nhiệt tình tư vấn và đề xuất mức lãi suất hấp dẫn. Thế nhưng, giờ đây, toàn bộ số tiền 2,1 triệu NDT mà cô gửi dường như đã biến mất không dấu vết.
Khi không thể che giấu được nữa, quản lý Hoắc buộc phải thú nhận rằng đã tự ý sử dụng số tiền tiết kiệm của cô Chất để cho vay với mục đích kiếm lời. Người này biện minh rằng một phần lợi nhuận từ các khoản vay đó sẽ được chuyển lại cho cô dưới dạng lãi suất cao. Họ Hoắc giải thích thêm rằng lãi suất thông thường của ngân hàng không hấp dẫn, chỉ có việc cho vay ngoài mới mang lại lợi ích lớn hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, ông ta cũng thừa nhận rằng bên vay đã làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ trong thời gian ngắn.
Lời giải thích này khiến cô Chất phẫn nộ. Đây là tiền tiết kiệm cá nhân của cô, và việc sử dụng nó mà không có sự đồng ý là không thể chấp nhận. Quản lý Hoắc đề nghị sẽ hoàn trả số tiền bằng cách trả góp 120.000 NDT (tương đương khoảng 148 triệu đồng) mỗi năm, đồng nghĩa với việc phải mất đến 20 năm để thanh toán toàn bộ số tiền đã chiếm dụng.
Tuy nhiên, vì đang cần tiền gấp để chữa bệnh cho mẹ, cô Chất không thể chấp nhận giải pháp này. Khi cô yêu cầu ngân hàng can thiệp, ngân hàng thông báo sẽ sa thải quản lý Hoắc nhưng khẳng định rằng hành vi của ông ta là cá nhân, không liên quan đến tổ chức. Ngân hàng đề nghị cô và quản lý Hoắc tự thỏa thuận giải quyết.
Không hài lòng với cách xử lý, cô Chất quyết định đưa cả quản lý Hoắc và ngân hàng ra tòa. Sau quá trình điều tra, tòa án xác định quản lý Hoắc đã biển thủ số tiền lớn từ tài khoản khách hàng. Ông ta bị kết án hơn 7 năm tù giam và phải hoàn trả toàn bộ số tiền gốc lẫn lãi đã chiếm đoạt.
Dù các hành vi phi pháp này do cá nhân quản lý Hoắc thực hiện và hệ thống ngân hàng không phát hiện được, tòa án cho rằng vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Vì quản lý Hoắc không còn khả năng chi trả đủ số tiền, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm một phần trong việc đền bù thiệt hại cho cô Chất.